Tâm thế và ứng phó rào cản thương mại

Hoàng Bảy| 25/09/2020 03:30

Cộng đồng doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp ngành đường đón nhận thông tin vui khi Bộ Công Thương chính thức điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với mặt hàng đường nhập từ Thái Lan.

XK-thep-6644-1601008082.jpg

Như vậy, sau 13 năm tham gia sân chơi thương mại toàn cầu (gia nhập WTO đầu năm 2007), đây là vụ điều tra thứ 16 liên quan đến việc thực thi công ước thương mại mà Bộ Công Thương khởi xướng. Trong đó có 9 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ tự vệ và 1 vụ chống lẩn tránh thuế tự vệ. Ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp Việt còn chịu tổn thất lớn hơn gấp bội lần, khi chịu trên 160 vụ điều tra, áp thuế phòng vệ thương mại của các quốc giá trên khắp thế giới.

Không ít chuyên gia luật thương mại quốc tế đánh giá chúng ta đang có quá nhiều điểm yếu khi đương đầu với sân chơi toàn cầu. Đó có thể là đội ngũ con người chưa tinh thông luật quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp mới được tiếp cận vấn đề này chừng 15 năm trở lại, họ chưa hiểu rõ các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia vào các vụ việc điều tra. Hoặc những trở ngại về ngôn ngữ.

Ở tầm vĩ mô hơn, Việt Nam đang cần mở rộng hợp tác, khuyến khích tự do hóa thương mại nên phương châm chỉ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp thật sự cần thiết trên cơ sở kết quả điều tra đảm bảo các quy định pháp luật...

Nhưng dù là nguyên nhân gì đi nữa, việc phòng vệ thương mại và bảo vệ tự do thương mại chính đáng vẫn tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần bảo vệ công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế cho Việt Nam nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Để làm được điều này, ngoài các điểm yếu trên cần phải sớm được khắc phục, chúng ta cũng không thể không nói tới sự đoàn kết, đồng lòng của đội ngũ doanh nhân Việt. Họ phải là người làm chủ sân chơi luật pháp quốc tế, ở tâm thế dám đương đầu với thách thức để cùng nhau vượt sóng gió. Nói như vậy để thấy, sau vụ khởi kiện đường Thái vừa công bố, hay vụ việc chần chừ khởi kiện thịt gà Mỹ bán phá giá cách nay 3-4 năm, vụ bị Mỹ kiện con tôm, con cá tra (2003-2004)... chung quy đều có sự chia rẽ của cộng đồng doanh nghiệp.

Ngành đường có hàng chục nhà máy, nhưng chỉ có số ít đứng đơn kiện (tuy vẫn đảm bảo tỷ lệ phần trăm đương sự theo quy định), còn những ông lớn, bà lớn có doanh số tốp đầu, đang niêm yết trên sàn chứng khoán lại chọn cách thụt lại sau lưng. Ngành gia cầm cũng vậy, một số doanh nghiệp FDI lừng lẫy đang nắm thị phần chi phối ở Việt Nam cũng thoái thác cho người chăn nuôi đứng đơn chứ không dám ra mặt. Hay con tôm và cá tra, mỗi lần bàn biện pháp nâng giá bán để tránh bị điều tra thì các hội viên bàn rất sôi nổi, tỏ sự đồng lòng cao trong hội nghị, nhưng bước chân ra, họ làm ngược lại. Đạp giá, tranh bán, giành khách hàng, giành hợp đồng lẫn nhau. 

Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản... để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nhất thiết cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu (tăng giá trị gia tăng trong nước), Việt Nam cũng cần theo dõi kỹ để cảnh báo sớm nếu như xuất khẩu của ta sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến. 

13 năm tham gia sân chơi toàn cầu, chúng ta chưa thấy được sự đoàn kết của doanh nghiệp, dù họ đang tập hợp trong các hiệp hội, nhưng ai cũng có một mục đích riêng, một kế hoạch riêng, một mối quan tâm riêng và cuối cùng mỗi doanh nghiệp đi một con đường riêng. Người Nhật có câu nói nổi tiếng: một mình có thể đi nhanh tới đích, nhưng nhiều người hợp lại sẽ đi quãng đường dài hơn. Rõ ràng, cộng đồng doanh nghiệp Việt đang một mình đi tới đích rất nhanh, đây là điểm yếu chết người để cho đối thủ khai thác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tâm thế và ứng phó rào cản thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO