Tái diễn huy động vượt trần

11/01/2012 09:39

Sau vài tháng tạm lắng, tình trạng đua lãi suất (LS) lại gay gắt. Tại cuộc họp tổng kết tình hình hoạt động ngân hàng (NH) trên địa bàn TP.HCM năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 ngày 10/1, các NH đã thừa nhận tình trạng vượt trần LS.

Tái diễn huy động vượt trần

Sau vài tháng tạm lắng, tình trạng đua lãi suất (LS) lại gay gắt. Tại cuộc họp tổng kết tình hình hoạt động ngân hàng (NH) trên địa bàn TP.HCM năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 ngày 10/1, các NH đã thừa nhận tình trạng vượt trần LS.

>> Ngân hàng nâng lãi suất thăm dò thị trường
>> Lẳng lặng tăng lãi suất huy động
>> Lãi suất chiều thẳng đứng
>> Ồ ạt tăng lãi suất khoản vay đầu tư chứng khoán

Một số ngân hàng thừa nhận lãi suất huy động đã vượt 14%/năm - Ảnh: T.T.D.

Bà Trương Thị Thúy Nga, Giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM, thừa nhận gần đây LS huy động không còn là 14%/năm mà đã lên 16-17%/năm.

Lách bằng khuyến mãi, rút thăm...

Tại cuộc họp, đại diện cơ quan thanh tra giám sát NH Nhà nước TP.HCM cho biết vừa qua đã kiểm tra đột xuất 66 đơn vị về lãi suất huy động vốn, qua đó phát hiện 62 đơn vị sai phạm. Các chiêu lách trần phổ biến là khuyến mãi, rút thăm trúng thưởng, thực hiện nghiệp vụ mua bán vàng có kỳ hạn, nhận ủy thác đầu tư, gia hạn để NH bị phạt vi phạm hợp đồng... Thanh tra giám sát NH Nhà nước đã yêu cầu các NH chấm dứt ngay các hình thức huy động vượt trần trên.

Đại diện cơ quan thanh tra giám sát NH Nhà nước TP.HCM cũng phổ biến công văn 78 của NH Nhà nước ký ngày 6/1/2012 yêu cầu các NH chấp hành nghiêm quy định về trần LS. NH Nhà nước cũng nêu rõ thời gian qua còn nhiều NH vi phạm chi hoa hồng môi giới, chi trả ngoài LS ghi trên sổ tiết kiệm, áp dụng khuyến mãi... khiến chi phí huy động tăng, gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến mặt bằng LS trên thị trường.

Bản thân bà Nga đã phải gặp những khách hàng lớn, giám đốc tài chính, kế toán trưởng để thuyết phục đừng rút vốn. Nhiều trường hợp bất lực nhìn vốn ra đi. Vốn đến đâu, LS bao nhiêu, NH đều nắm được vì sau đó khách hàng đều có thông báo lại. “Có những lúc Vietcombank phải linh hoạt khi không thể giữ được nữa nhưng đều báo cáo đầy đủ, trung thực với NH Nhà nước. Nguyên tắc của Vietcombank không bao giờ là người đưa ra giá để lôi kéo khách hàng” - bà Nga nói.

Ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc NH Eximbank, cho rằng xảy ra tình trạng căng thẳng vốn trên thị trường những ngày gần đây là do một số NH đã lạm dụng vốn thị trường 2 để cho vay thị trường 1. Hiện nay những NH lớn thường xuyên gửi vốn trên thị trường 2 như Vietcombank, Vietinbank, BIDV không cho vay nữa hoặc yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Ngay cả Eximbank cũng rất khó tiếp cận vốn tại những NH này.

Phó thống đốc Trần Minh Tuấn thừa nhận “cái chợ không giá” trong NH chỉ tạm lắng trong thời gian NH Nhà nước mạnh tay xử phạt vài NH huy động vượt trần, sau đó đâu lại vào đấy. Tình hình như hiện nay kéo dài thì không cách nào giảm được LS cho vay.

Ông Tuấn cho biết thực tế tỉ trọng cho vay LS thấp trong tổng dư nợ của các NH không đáng bao nhiêu. “Có NH dành 7.000 tỉ đồng cho vay LS 17%/năm, nhưng so ra số cho vay LS thấp chỉ chiếm 13% dư nợ, 87% còn lại cho vay với LS trung bình 19,5%/năm” - ông Tuấn nói. Ông cũng nhìn nhận thực tế với mức LS cào bằng như hiện nay, NH nhỏ mất lợi thế trong cạnh tranh huy động vốn, dẫn đến méo mó trên thị trường. Từ đó ông Tuấn cho rằng biện pháp tới đây sẽ phải thay đổi.

Lãnh đạo NH Nhà nước cũng cho biết 90% tiền gửi dân cư là ngắn hạn, trong đó phần lớn là gửi 1 tháng. Trong khi hiện nay dư nợ cho vay trung, dài hạn của các NH chiếm đến 47%. Do lấy ngắn nuôi dài nên NH buộc phải lách trần. NH Nhà nước cũng thừa nhận thực tế công tác thanh tra kém, phát hiện không kịp thời việc NH sử dụng vốn không như định hướng. Mặt khác, cũng do quy định hiện nay chưa bao quát hết thực tế nên các NH tận dụng các kẽ hở để lách luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái diễn huy động vượt trần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO