Quy mô tài sản bình quân doanh nghiệp nhà nước cao gấp 10 lần doanh nghiệp FDI

MH| 26/03/2022 07:31

Theo tính toán sơ bộ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô tài sản bình quân của một doanh nghiệp nhà nước khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Quy mô tài sản bình quân doanh nghiệp nhà nước cao gấp 10 lần doanh nghiệp FDI

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; có doanh thu và đóng góp đáng kể vào thu ngân sách nhà nước. Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường.

Cụ thể, theo tính toán sơ bộ, tổng tài sản của khối doanh nghiệp nhà nước theo giá trị sổ sách năm 2021 khoảng 4 triệu tỷ đồng; quy mô tài sản bình quân của một doanh nghiệp nhà nước khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Theo đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 10,46%, cao hơn mức lãi suất ngân hàng trong giai đoạn. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp tư nhân trong nước là 1,26%.

Về đóng góp cho ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của doanh nghiệp nhà nước là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh.

Về hiệu suất sử dụng lao động, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 18,9 lần. Tiếp đến là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước 17 lần và thấp nhất là khu vực FDI với 13 lần.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng kết quả hoạt động và đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối. Cụ thể là, các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy. Trong giai đoạn 2016-2020 rất ít dự án, công trình mới có quy mô lớn của doanh nghiệp nhà nước được khởi công. Các doanh nghiệp nhà nước chỉ tiếp tục thực hiện các dự án dở dang hoặc xử lý các dự án không hiệu quả từ giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp nhà nước vẫn mang tính hình thức, mới chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao. Ngoài ra, còn thiếu tầm nhìn chiến lược để phát triển doanh nghiệp nhất là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để "cởi trói" doanh nghiệp nhà nước. Từ đó, phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển, hiện thực hóa vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần tăng đầu tư, đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để doanh nghiệp nhà nước thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt và cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu tốt. Đồng thời, xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước như: năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia…

Qua đó, có định hướng phù hợp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý thông tin về doanh nghiệp nhà nước trên nguyên tắc đo lường được, khách quan, kịp thời và minh bạch. Điều này nhằm tăng cường giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tức thời; phát hiện sớm các rủi ro, ngăn ngừa sai phạm, thất thoát, lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quy mô tài sản bình quân doanh nghiệp nhà nước cao gấp 10 lần doanh nghiệp FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO