Quản lý tư vấn du học: Bao giờ có "bàn tay sắt"?

ANH KHOA| 30/11/2012 07:15

Dịch vụ tư vấn mọc lên như nấm nhưng khi xảy ra tranh chấp hay bị lừa đảo, nạn nhân không biết kêu cứu ở đâu.

Quản lý tư vấn du học: Bao giờ có

Dịch vụ tư vấn mọc lên như nấm nhưng khi xảy ra tranh chấp hay bị lừa đảo, nạn nhân không biết kêu cứu ở đâu.

Đọc E-paper

Không biết kêu ai

Trang web www.globalvisas.com công bố một số liệu thú vị, trong top 10 nước có lượng du học sinh đông nhất thế giới, Việt Nam xếp thứ 8 với gần 20.000 học sinh, sinh viên. Bất chấp nỗ lực xây dựng các chương trình liên kết quốc tế của các trường đại học (ĐH) trong nước, lượng sinh viên Việt Nam đổ ra nước ngoài theo học vẫn cao.

Nhu cầu tăng dẫn đến sự ra đời hàng loạt trung tâm, công ty tư vấn du học khắp cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, xảy ra không ít vụ lừa đảo, những kiểu làm ăn gian dối, thiếu trách nhiệm, gây tổn hại cho không ít nạn nhân. Ngạc nhiên là đến nay, vẫn thiếu một bàn tay đủ mạnh, đủ quyền hạn để quản lý và kiếm soát hoạt động của các dịch vụ tư vấn này.

Chị Hồng Khanh, một phụ huynh tại quận Tân Bình ký hợp đồng làm giấy tờ cho con du học Mỹ với Công ty V.E. tại Phú Nhuận. Theo hợp đồng, chị Khanh chỉ phải đóng 300 USD để làm thủ tục hoàn tất sau 3 tháng. Sau đó, công ty này yêu cầu gia đình chị phải đóng thêm gần... 2.500 USD nữa để hoàn tất các thủ tục nếu xin được visa, nhưng vẫn không xin được. Phía công ty lại đòi đóng thêm 6.000 USD nữa và "thề sống thề chết" sẽ xin visa được nhưng cuối cùng vẫn thất bại.

Chị Khanh kiên quyết làm dữ và trầy trật mãi mới đòi lại được hơn phân nửa số tiền đã đóng. Làm sao để không sa vào "mê hồn trận" của những dịch vụ loại này để tìm được một trường đại học phù hợp cho con em mình?

Chính vì không biết, không có thời gian tìm hiểu thông tin để chọn trường cho con du học, nhiều phụ huynh đành phó thác chuyện này cho dịch vụ. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, họ lại chẳng biết kêu cứu ở đâu, vì đến nay vẫn chưa có một cơ quan nào đứng ra quản lý các dịch vụ này.

Tìm hiểu về vấn đề này mới hay, hiện nay, việc quản lý các cơ sở, trung tâm, dịch vụ tư vấn du học thuộc về các Sở Giáo dục - Đào tạo qua Nghị định 115/2010/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, nhưng cũng chỉ có điều khoản rất chung chung về trách nhiệm của Sở là "giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với các tổ chức dịch vụ đưa người đi du học tự túc ở ngoài nước theo quy định của pháp luật".

Vì vậy, từ trước đến nay, các công ty tư vấn du học không có báo cáo hoạt động với Sở, ngược lại, Sở cũng không có thông tin gì về các công ty này.

Vườn rộng vắng chủ

Hiện các Sở Kế hoạch - Đầu tư có chức năng cấp phép hoạt động cho các công ty tư vấn du học kèm theo quy định phải chịu sự quản lý của Sở Giáo dục - Đào tạo. Tuy nhiên, đến nay chưa có một quy định cụ thể nào khẳng định vai trò, quyền hạn của Sở này đối với các công ty tư vấn du học.

Vì vậy, một lãnh đạo của Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cho biết, hiện rất khó khăn trong vấn đề quản lý lĩnh vực du học.

Làm cách nào để tránh được rủi ro và tìm được địa chỉ tin cậy để có được thông tin chính xác nhất khi du học? Tại lễ ra mắt Trung tâm Tư vấn Giáo dục Hoa Kỳ USA Education (thuộc Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM), Tổng lãnh sự Lê Thành Ân cho biết: "Riêng với du học Mỹ, hiện có rất nhiều đơn vị tư vấn du học hoạt động tại TP.HCM nhưng vẫn có việc người học tiếp nhận những thông tin không chính xác. Vì vậy, nếu muốn du học Mỹ, du học sinh chỉ cần đến USA Education, nơi có đủ thẩm quyền và được tư vấn miễn phí các thủ tục xin học chính xác nhất".

Đây cũng là cách để các phụ huynh tìm đến tư vấn nhằm tránh "sự đã rồi" trong hoàn cảnh thị trường tư vấn du học vẫn còn bị thả nổi. Tại TP.HCM, có nhiều kênh chính thức để tư vấn thông qua các lãnh sự quán hoặc trung tâm văn hóa trực thuộc lãnh sự quán các nước như: Văn phòng du học Pháp (IDECAF), Úc có văn phòng ở tòa nhà Landmark (đường Tôn Đức Thắng, Q.1); Hội đồng Anh (đường Lê Duẩn, Q.1); Trung tâm Thông tin Tổng cục Du lịch Singapore...

Có một nghịch lý là dù một số Sở Giáo dục - Đào tạo đã nhìn ra vấn đề từ lâu và xin ý kiến từ cơ quan cấp trên để quản lý các dịch vụ tư vấn du học, nhưng vẫn chưa đi đến đâu.

Đơn cử như năm 2010, Sở Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM có công văn xin ý kiến cho dự thảo "Quy định về quản lý du học tự túc trên địa bàn TP.HCM". Trong văn bản trả lời, đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, đang khẩn trương xây dựng văn bản quy định về quản lý dịch vụ du học tự túc nên đề nghị... chờ.

Hiện tại Bộ chỉ mới có dự thảo lần 2 về thông tư "Quy định về hoạt động dịch vụ du học" ký ngày 12/1/2012. Thông tư này quy định rõ những điều kiện, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận hoạt động cho người Việt Nam đi học tại nước ngoài (dịch vụ du học); đình chỉ hoạt động dịch vụ du học, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động.

Thông tư cũng quy định cụ thể quyền hạn của Sở Giáo dục - Đào tạo, như có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra phát hiện dấu hiệu vi phạm, lập biên bản và làm các thủ tục đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ du học... Những quy định trong thông tư này thực sự là "bảo kiếm" để chấn chỉnh hoạt động tư vấn nhưng... chưa được ban hành chính thức nên các Sở Giáo dục - Đào tạo cũng chưa có cơ sở pháp lý để quản lý lĩnh vực tư vấn du học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản lý tư vấn du học: Bao giờ có "bàn tay sắt"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO