Quản lý chặt thịt nhập khẩu

DNSG| 03/06/2010 08:48

Quản lý chặt thịt nhập khẩu; Nguy cơ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa mất Global GAP; Du lịch nội địa đạt kết quả khả quan; Dệt may vẫn khó đạt kế hoạch 10,5 tỷ USD...

Quản lý chặt thịt nhập khẩu

Quản lý chặt thịt nhập khẩu

Từ ngày 1/7, tất cả các loại thịt nhập khẩu vào VN (heo, bò, gà...) phải đạt chất lượng, phù hợp với quy định, tiêu chuẩn quốc tế (như Hiệp định WTO/SPS về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật...) và tương đương các quy định của các đối tác thương mại lớn của VN (EU, Mỹ...).

Đây là nội dung hướng dẫn Thông tư số 25/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu.

Theo Thông tư này, cơ quan thẩm quyền của VN sẽ kiểm tra hồ sơ đăng ký, hệ thống kiểm soát, điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại nước xuất khẩu vào VN. DN vi phạm sẽ bị đình chỉ nhập khẩu. Đây được xem là biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu sản phẩm không đạt chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Chỉ trong năm 2009, hàng ngàn tấn thịt gà nhập khẩu nhiễm bẩn, rồi nội tạng heo hư thối đã bị các cơ quan chức năng phát hiện.

Nghiên cứu của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản cũng cho thấy, chỉ có 58% thịt gia súc, gia cầm bán trên thị trường được kiểm soát chất lượng và hầu hết đều nhiễm khuẩn E.coli vượt giới hạn cho phép.

H.Ng

Nguy cơ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa mất Global GAP

Sau gần một năm được Tổ chức Đánh giá Thẩm định Tiêu chuẩn Quốc tế SGS tại VN cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP, hợp tác xã (HTX) Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đang đứng trước nguy cơ mất giấy chứng nhận này, đặc biệt là hai thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.

Theo đại diện của HTX, chứng nhận Global GAP chỉ có thời hạn một năm, sau đó phải xác nhận lại. Thế nhưng, chi phí phải trả cho cơ quan đến kiểm tra, đánh giá, xác nhận lại chứng nhận này lên tới 7.700USD. Để xoay xở kinh phí, HTX đành xin gia hạn thêm sáu tháng, nhưng đến nay vẫn không có tiền.

Phương án hiện giờ mà HTX có thể làm là xin gia hạn lần cuối thêm ba tháng rồi sau đó xin... treo bằng, chờ khi có tiền sẽ tính tiếp. Về phía tỉnh Vĩnh Long, ông Lê Văn Biên, Phó phòng Nông nghiệp huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, cho biết, tỉnh đã đồng ý cấp cho HTX 4.000USD, phần còn lại HTX tự lo để thực hiện việc tái công nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP. Nhưng sáu tháng qua, HTX không xúc tiến việc này.

B.Đ

Du lịch nội địa đạt kết quả khả quan

Ngành du lịch trong nước được đánh giá khá lạc quan bất chấp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cụ thể, tính đến ngày 31/5, nhóm khuyến mãi kích cầu (tại TP.HCM hiện có 26 thành viên) đã khai thác được 1.281 khách mua tour.

Lượng khách mua tour miền Bắc và miền Trung bằng vé máy bay khuyến mãi Vietnam Airlines tăng gấp đôi so với tháng Tư (khoảng 627 khách). Một kết quả đáng ngạc nhiên là tính đến trung tuần tháng Sáu, do du khách mua tour khuyến mãi tăng nên không thể đặt vé máy bay vì không còn chỗ.

Theo ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH TM - DV Thế Hệ Trẻ, mùa Hè năm nay, khách nội địa sẽ tăng vọt bởi nhiều yếu tố: năm 2010 có nhiều lễ hội cấp quốc gia như Festival Huế 2010, Năm Du lịch Quốc gia ở Hà Nội, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chưa kể các lễ hội lớn ở khu vực Đông Bắc và Tây Bắc.

Ngoài ra, các đơn vị lữ hành nội địa tại TP. HCM đã bắt đầu quan tâm đầu tư vào công tác quảng bá, quảng cáo đến khách du lịch nội địa (hiện tượng này những năm trước là rất ít). DN dự đoán lượng khách sẽ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, việc phá giá của các DN nhỏ lẻ cũng như chưa có sự đoàn kết vững chắc giữa các DN lữ hành với nhau có thể sẽ gây tác động ngoài dự đoán tới việc thu hút làn sóng du khách từ nước ngoài, thậm chí là lượng khách nội địa đầy tiềm năng.
QC

Dệt may vẫn khó đạt kế hoạch 10,5 tỷ USD

Bốn tháng đầu năm nay, dệt may có mức tăng trưởng xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD vẫn đang được dự đoán khó thành hiện thực do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu chính, sự khan hiếm lao động trong các DN.

Theo Hiệp hội Dệt May VN (Vitas), nguồn phụ liệu cho may mặc và đóng gói trong nước có thể đáp ứng 80 - 90% nhu cầu, nhưng nguồn nguyên liệu chính là vải thì vẫn bị lệ thuộc vào nhập khẩu. Cụ thể, một số dòng sản phẩm như sơ mi, jean... chỉ đáp ứng đựợc 30 - 50% nhu cầu, nguồn nguyên liệu may thời trang nữ như vest, jacket thì phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Trong khi đó, các DN dệt may lại gặp thêm khó khăn về nhân công do giá cả sinh hoạt tăng cao, trong khi thu nhập của công nhân trong ngành dệt may ít được cải thiện. Vì vậy, nhiều DN có đơn hàng xuất khẩu phải giải quyết bằng cách tìm các mối gia công để giao lại.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Vitas, cho biết: “Để giải bài toán về nguyên liệu và nhân lực, chúng tôi đã đưa ra giải pháp tạo chuỗi liên kết giữa các nước trong khu vực nhằm tận dụng những ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu nguyên liệu trong các thành viên của Asean. Mô hình này hiện cũng mới được áp dụng thử nghiệm ở một số DN”.

H. LAN

Doanh nghiệp nước ngoài: Gặp khó khăn về nguồn nhân lực

Tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam (VBF), mới diễn ra tại Hà Nội, ông Joselyn Tran, Chủ tịch Amcham Vietnam (HCM), đã lên tiếng cảnh báo rằng 65% lực lượng VN không có kỹ năng lao động. Yếu kém về nguồn nhân lực đang gây trở ngại cho các nhà đầu tư tại VN. Ông Alan Cany, Chủ tịch Eurocham Vietnam, nhận xét: các DN châu Âu thường gặp khó khăn khi thuê tuyển tay nghề cao ở mọi cấp độ, và nhiều công ty châu Âu phải chi một khoản tiền lớn để cử nhân viên đi đào tạo thêm ở nước ngoài.

Hiroyuki Moribe, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, cũng cho rằng, một trong những khó khăn của các công ty Nhật tại VN là tuyển dụng nhân viên quản lý cấp trung. Hiện tại, DN Nhật rất khó tuyển công nhân do thiếu công nhân được đào tạo, mặc dù vẫn cho rằng chi phí lao động ở VN vẫn còn hấp dẫn.

Thứ trưởng Bộ Lao động Đàm Hữu Đắc thừa nhận, hầu hết các cơ sở đào tạo nghề của VN chỉ sử dụng những “hàng thải” của các cơ sở sản xuất. Những bất cập được nêu đi nêu lại nhiều lần mà ít được cải tiến sẽ làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh cuộc cạnh tranh thu hút trên thế giới và khu vực vốn trở nên cực kỳ gay gắt.

Theo Tổng cục Dạy nghề, dự kiến đến năm 2020, VN mới xây dựng được chuẩn quốc gia cho khoảng hơn 300 nghề phổ biến hiện nay. Còn hiện tại, cấp chứng chỉ đào tạo mới chỉ là đánh giá của các trường.

HUỲNH PHAN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản lý chặt thịt nhập khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO