Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính là vấn đề của quốc gia

Thảo Nguyên| 27/09/2019 06:00

Đó là ý kiến của TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khi trao đổi về chủ đề TP.HCM hướng đến việc trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của “Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019” sẽ được tổ chức vào ngày 18-19/10/2019.

Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính là vấn đề của quốc gia

Hoạt động kinh tế phải mang “tính thị trường”

TS. Trần Du Lịch cho rằng, các trung tâm tài chính lớn trong khu vực và trên thế giới như Thẩm Quyến của Trung Quốc, Singapore, Tokyo, New York, Luân Đôn... đều là những nơi phát triển tốt mối quan hệ thị trường. Ở đó có những hoạt động thương mại, giao lưu kinh tế quốc tế lớn; là nơi có môi trường tốt, đầu tư thuận lợi cho các tập đoàn tài chính, các quỹ đầu tư quốc tế... hoạt động. Các trung tâm này đều có khả năng tài chính công nghệ cao, có cơ hội để thay đổi sự phát triển trong cuộc cách mạng công nghệ. Cái mới trong hoạt động tài chính của các trung tâm này là cái mới của sự sáng tạo, không rập khuôn với sự phát triển truyền thống. Tiêu chí của một trung tâm tài chính quốc tế là quy mô giao dịch quốc tế với sản phẩm đa dạng, các định chế tài chính phù hợp và tính ổn định của sự phát triển.

Từ những tiêu chí phát triển của các trung tâm tài chính quốc tế, cũng như nhìn lại tình hình thực tế và nhu cầu cần thiết để tăng trưởng tốt, TS. Trần Du Lịch cho rằng, việc phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế bây giờ là vấn đề quốc gia, chứ không phải là vấn đề của riêng chính quyền Thành phố nữa.

TP.HCM phải ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của “một đầu tàu” phát triển vùng và của cả nước. Hoạt động kinh tế trên địa bàn TP.HCM phải mang “tính thị trường” để nâng cao vai trò “cửa ngõ” giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế. TP.HCM phải là nơi có thị trường tài chính tập trung có quy mô lớn, thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ cho thương mại, đầu tư theo ý nghĩa của một trung tâm chuyển tải vốn cho nền kinh tế trong nước, có tác động nhất định đến thị trường khu vực và thế giới.

Để xây dựng TP.HCM thành trung tâm giao dịch tài chính quốc tế, trước hết cần đưa các vấn đề quốc gia vào lộ trình thực hiện, đưa các nghị quyết của Đảng về việc đầu tư xây dựng và vận dụng các vấn đề kinh tế - tài chính cho TP.HCM. Để “bơi” ra được biển lớn, trước hết, TP.HCM phải là trung tâm tài chính quốc gia. Vai trò trung tâm tài chính, thương mại của TP.HCM cần được khẳng định trước tiên qua hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn (TP.HCM quy tụ 50% số doanh nghiệp cả nước). Phải quy hoạch TP.HCM thành trung tâm có điều kiện, môi trường tốt nhất cho các tập đoàn tài chính trong nước và quốc tế hoạt động.

Triển vọng trung tâm tài chính TP.HCM

Kinh tế TP.HCM có nhiều ưu thế so với các địa phương khác. Tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong những năm gần đây luôn đạt hai con số (10-12%). GDP của TP.HCM đạt gần 23% GDP quốc gia. Ngân sách TP.HCM góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước hàng năm. Tỷ lệ công nghệ cao của kinh tế TP.HCM chiếm hơn 30%. Dịch vụ TP.HCM phát triển nhanh, ổn định và đang giữ tỷ trọng 57% GDP toàn TP.HCM. Đặc biệt, ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, vận tải... của TP.HCM phát triển nhanh, chiếm 34% GDP toàn Thành phố.

Tuy nhiên, sự phát triển của TP.HCM hiện phần lớn dựa trên những nền tảng hiện có, do vậy, muốn phát triển bền vững thì phải tăng đầu tư hạ tầng kinh tế. Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54/2017 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã mở ra đột phá mang tầm chiến lược về phát triển kinh tế - tài chính cho TP.HCM. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, một tầm nhìn cho kinh tế TP.HCM tăng trưởng nhanh và bền vững là vấn đề quan tâm của người dân cả nước. Đề án đô thị thông minh, đô thị công nghệ cao dựa trên các mô hình khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm, trung tâm công nghệ sinh học... đang là hành trình chủ đạo của TP.HCM. Cụ thể như TP.HCM đã và đang phát triển mô hình “Khu đô thị sáng tạo” tại phía đông với tổng diện tích khoảng 22.000ha thuộc quận 2, 9 và Thủ Đức.

Bên cạnh những cơ sở và điều kiện cần cải thiện trong các lĩnh vực, để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, trước tiên, TP.HCM phải xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa. Để sàn giao dịch này có thể hoạt động phải đào tạo đội ngũ các nhà kinh doanh trung gian, có khả năng chào hàng và mua hàng với các nhà sản xuất, cũng như các nhà tiêu thụ. Ngoài ra, TP.HCM cũng cần có các công ty thương mại lớn có khả năng tiêu thụ, cung cấp hàng hóa do các cơ sở trong nước và nước ngoài sản xuất. Nếu hoạt động thương mại phát triển, các nhu cầu về dịch vụ tài chính sẽ xuất hiện. Từ đó, các định chế tài chính cũng sẽ tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh và hình thành cơ sở của một trung tâm tài chính.

Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những chiến lược quan trọng để xây dựng Thành phố thành trung tâm kinh tế - tài chính khu vực và quốc tế mà TP.HCM đang hướng đến. Theo TS. Trần Du Lịch, vấn đề nguồn nhân lực rất quan trọng, cần có cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực cao để không phải bị động khi thị trường tài chính ngày càng phát triển...

Nếu hoạt động thương mại phát triển, các nhu cầu về dịch vụ tài chính sẽ xuất hiện. Từ đó, các định chế tài chính cũng sẽ tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh và hình thành cơ sở của một trung tâm tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính là vấn đề của quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO