Những ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới

N.BẢO| 12/04/2016 00:28

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII đã bầu nhân sự cấp cao của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ.

Những ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII đã bầu nhân sự cấp cao của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ.  

Đọc E-paper

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 7/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ những vấn đề mà Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến 6 trọng tâm ưu tiên:

1. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

2. Tập trung cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, trọng dụng nhân tài, huy động mọi nguồn lực phát triển.

3. Tăng cường kỷ cương trong hệ thống hành chính nhà nước và trong toàn xã hội.

4. Quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí.

5. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

6. Chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân.

Song, trước mắt, Chính phủ sẽ tập trung ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiên tai, hạn hán, nhiễm mặn, phòng chóng dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thủ tướng cũng khẳng định, mỗi thành viên Chính phủ vừa được Quốc hội bổ nhiệm phải kế thừa, phát huy được những thành quả của nhiệm kỳ trước, đồng thời khắc phục những mặt còn hạn chế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, nhiều thách thức đang đặt được ra cho Chính phủ nhiệm kỳ mới, đó là vấn đề nợ công gia tăng, ngân sách khó khăn, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trước làn sóng hội nhập còn yếu và động lực cho sự tăng trưởng kinh tế chưa được triển khai triệt để (cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...).

Liên quan đến những thách thức của nền kinh tế, mới đây, trong Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) đã nêu rõ, dù Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng và có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng vẫn còn một số yếu tố đáng quan ngại, như tăng trưởng xuất khẩu đã giảm xuống mức 8% do giá thực phẩm và giá nguyên liệu giảm và chỉ được bù trừ một phần nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm chế tạo.

Trong khi đó, nhập khẩu lại tăng nhanh, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu ròng bị giảm nhẹ. Tăng trưởng du lịch cũng đã chậm lại. Sản xuất, thương mại trong nông nghiệp năm 2015 giảm do giá nông sản toàn cầu suy giảm và điều kiện thời tiết không thuận lợi mà gần đây là tình trạng xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực nông nghiệp.

Song song đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, sự suy giảm kinh tế của nhiều nước lớn cũng phần nào tác động đến các nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam. Do vậy, nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ mới là phải tháo gỡ được những nút thắt trên, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cũng như đưa kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.

NHÂN SỰ CẤP CAO ĐÃ ĐƯỢC QUỐC HỘI BẦU
* Chủ tịch nước: Trần Đại Quang
* Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Thị Kim Ngân
* Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc
* 5 Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Trương Hòa Bình,
Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và Trịnh Đình Dũng
* 21 bộ trưởng và trưởng ngành, gồm:
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến
Bộ Trưởng Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn

>Nhân sự mới của TP.HCM

>Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm của Chính phủ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO