Những thách thức khi thực thi EVFTA

Nguyễn Hoàng| 10/06/2020 02:05

Việt Nam đang đặt hy vọng lớn vào Hiệp định Thương mại tự do EVFTA để phát triển thương mại và thúc đẩy kinh tế hậu Covid-19.

EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Trước đó, ngày 30/6/2019, tại Trụ sở Chính phủ, sau khi chứng kiến lễ ký Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, khi có hiệu lực, hai hiệp định quan trọng này sẽ như “tuyến đường cao tốc hiện đại” nối gần hơn nữa EU - Việt Nam, và từ đây doanh nghiệp (DN) hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Đặc biệt, DN EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả thị trường các nước ASEAN, thị trường các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), góp phần tạo nên xung lực hợp tác Đông - Tây, góp phần mang đến sự phát triển thịnh vượng cho khu vực Á - Âu và toàn cầu.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore, với quan hệ thương mại hàng hóa ở mức 49,3 tỷ euro và thương mại dịch vụ trên 3 tỷ euro. Thị trường Việt Nam cũng mang đến nhiều cơ hội cho hàng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của EU. EVFTA sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một trong những thị trường ô tô phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN trong 20 năm tiếp theo. Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp EU tại Việt Nam (EuroCham), việc thực thi và tác động của hai hiệp định này sẽ đem đến những thay đổi vượt bậc về xuất nhập khẩu giữa EU và Việt Nam.

detmay-2-1936-1591761114.jpg

Tới đây, việc xóa bỏ trên 99% thuế quan theo EVFTA, DN sẽ có nhiều cơ hội tăng khả năng cạnh tranh về giá hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường EU. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà hiện nay EU vẫn đang duy trì thuế quan cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, cụ thể là dệt may, giày dép và nông sản. Hiện EU đang là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá, còn hạn chế.

Bà Phạm Thị Dự - Đại học Ngoại thương cho rằng, tham gia EVFTA, thương mại hàng hóa Việt Nam không tránh khỏi những thách thức khi thực thi các cam kết, nhất là yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa, DN Việt Nam có thể khó đáp ứng. Bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập từ Trung Quốc hoặc ASEAN và các nước không thuộc khối EU, không thuộc các đối tác có FTA với Việt Nam. Ví dụ, nhân điều, EU quy định phải chế biến từ nguồn điều nguyên liệu tại Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam nhập điều nguyên liệu lên đến 63% nhu cầu chế biến từ Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria.

Dù vậy, EVFTA cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong ngắn hạn và trung hạn cho Việt Nam so với các nước ASEAN tại thị trường EU. Đến nay mới chỉ có Việt Nam và Singapore có FTA với EU, nhưng mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Singapore sang EU lại khác nhau. Trong khi đó, đối với các nước ASEAN khác, tiến trình đàm phán FTA với EU đang tạm dừng hoặc bắt đầu chậm hơn Việt Nam. Như vậy, trong 10-15 năm tới, với việc được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn và cơ chế tạo thuận lợi thương mại ưu đãi hơn từ EVFTA, DN Việt Nam sẽ có lợi thế hơn hẳn so với DN các nước ASEAN khi tiếp cận thị trường EU.

Những lợi ích mà DN Việt Nam có thể có từ EVFTA đến thời điểm này chưa diễn ra. Việc kinh tế châu Âu tiếp tục giảm tốc bởi đại dịch Covid-19 đang và sẽ là những khó khăn cho DN Việt Nam ngay cả khi EU cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam, tương ứng với 70,3% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

324234-9797-1591761114.jpg

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, điều quan trọng là thực thi các cam kết trong EVFTA. Việc thực thi cam kết phụ thuộc rất lớn vào các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là luật hóa những nội dung trong hiệp định theo hướng cải cách và kiến tạo. Ông Lộc thừa nhận, cộng đồng DN Việt Nam có những khó khăn nhất định trong việc tận dụng ưu đãi từ các FTA khi năng lực tài chính, quản trị đều ở mức rất thấp.

Một điểm đáng ghi nhận, Việt Nam thực thi khá tốt các cam kết quốc tế, như WTO, nhưng với EVFTA, các nhà kinh tế cho rằng, cần sự nỗ lực ở cả phía Nhà nước và DN. Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bởi vì những cam kết mới cùng các hành động thiết thực sẽ tỷ lệ thuận với niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Một số chính sách của Việt Nam vẫn còn khoảng cách với các cam kết quốc tế, đặc biệt trong các cam kết về sử hữu trí tuệ, lao động, công đoàn và cơ chế giải quyết tranh chấp. Nhà nước cần phải rà soát kỹ các cam kết có liên quan đến từng ngành hàng đối chiếu với hệ thống văn bản và tình hình thực thi để điều chỉnh chính sách, tận dụng cơ hội và chủ động đối phó với thách thức từ hội nhập. Các chính sách về vốn, thị trường, đất đai, khoa học công nghệ... cũng cần thay đổi để tăng nhanh số lượng và chất lượng trong lĩnh vực thương mại hàng hóa.

Làm ăn với doanh nghiệp EU là không dễ, bởi đây là một thị trường có mức thu nhập cao và có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ. DN Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này phải vượt qua được các hàng rào kỹ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những thách thức khi thực thi EVFTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO