Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2017

K.T| 02/10/2017 09:18

Sử dụng lao động nước ngoài phải giải trình nhu cầu qua mạng, doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại do xác định sai giá trị ròng của quỹ hưu trí... là những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/10/2017.

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2017

Sử dụng lao động nước ngoài phải giải trình nhu cầu qua mạng, doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại do xác định sai giá trị ròng của quỹ hưu trí... là những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/10/2017.  

Sử dụng lao động nước ngoài phải giải trình nhu cầu qua mạng

Theo Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 2/10/2017) về hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài (NLĐNN), trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐNN, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài qua mạng điện tử.

Hiện việc nộp tờ khai và báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng NLĐNN được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng (theo Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016).

Như vậy, so với quy định nộp hồ sơ giấy báo cáo giải trình như hiện tại thì việc nộp hồ sơ qua mạng điện tử đã rút ngắn thời gian yêu cầu thực hiện đối với người sử dụng lao động.

3 trường hợp công ty kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng cảnh báo

Theo Thông tư 87/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/10/2017, công ty kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng cảnh báo khi rơi vào 1 trong 3 trường hợp dưới đây:

- Tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục;

- Tỷ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận từ 150% đến dưới 180%;

- Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp thuận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180%.

Tổ chức kinh doanh chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng cảnh báo khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 3 tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại do xác định sai giá trị ròng của quỹ hưu trí

Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 86/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện có hiệu lực từ ngày 01/10/2017.

Theo đó, khi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xác định sai giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí, xác định sai giá trị tài khoản hưu trí cá nhân và có phát sinh thiệt hại thực tế cho người tham gia quỹ thì:

- Phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 88/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016;

- Mức độ sai sót phải đền bù thiệt hại được quy định tại quy chế xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí và xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân nhưng không thấp hơn 0,75% giá trị tài sản ròng của quỹ.

Doanh nghiệp có trách nhiệm công bố trên các trang thông tin điện tử của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và đại lý hưu trí trong thời hạn tối đa ba ngày làm việc, kể từ ngày định giá, giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí.

>>Việt Nam hấp dẫn nhất châu Á với lao động nước ngoài

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO