Nhìn lại các sự kiện xe hơi ghi dấu ấn trong năm 2019

Viễn Du| 31/12/2019 06:30

Chính thức khép lại năm 2019, thị trường xe hơi tại Việt Nam đã và đang chứng kiến nhiều sự thay đổi mạnh mẽ.

Báo Doanh Nhân Sài Gòn lựa chọn 5 sự kiện được xem là ấn tượng trong năm 2019, đồng thời là nền tảng mở đầu cho một năm 2020 đầy kỳ vọng trong lĩnh vực xe hơi. 

1. Triển lãm Ô tô Việt Nam 2019

Vietnam Motor Show 2019 (VMS 2019) đã khép lại thành công với 206.110 lượt khách tham quan trong 5 ngày diễn ra sự kiện, mang đến những giải pháp công nghệ mới nhất của hơn 100 mẫu xe đến từ 15 thương hiệu xe danh tiếng trong và ngoài nước. 

VMS-2019-01-3621-1577737802.jpg

Năm nay, những mẫu xe ý tưởng và mẫu xe thân thiện với môi trường với động cơ e-tron hoặc hybrid được xuất hiện ở vị trí quan trọng của các hãng. Có thể kể đến mẫu xe ý tưởng TJ Cruiser của Toyota, mẫu xe Lexus LF1 Limitless nhiều lựa chọn đa dạng từ động cơ điện sử dụng hệ thống pin nhiên liệu. Mẫu xe ý tưởng GT-PHEV của Mitsubishi hay như mẫu Audi e-tron - mẫu xe điện đầu tiên đạt 5 sao của EuroNCAP.

Tất cả 15 thương hiệu ô tô danh tiếng đã gây ấn tượng mạnh với công chúng yêu xe bằng những không gian đậm đà bản sắc. Sự ủng hộ từ công chúng dành cho VMS 2019 là tiền đề vững chắc để Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) tiếp tục mang tới những kỳ triển lãm tiếp theo tuyệt vời và bùng nổ hơn nữa vào năm 2020.

2. Nhà máy VinFast và hàng loạt sản phẩm mới

Tháng 6/2019, tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast - Tập đoàn Vingroup đã khánh thành nhà máy sản xuất ô tô, chính thức bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Nhà máy sản xuất ô tô VinFast là hạng mục quan trọng nhất của Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện VinFast.

Được xây dựng trên diện tích hơn 500.000m2 trong tổng số 335ha của toàn tổ hợp, đáp ứng xu thế công nghệ 4.0 - nhà máy sản xuất ô tô VinFast đạt quy mô hiện đại hàng đầu thế giới. Công suất thiết kế giai đoạn 1 là 250.000 xe/năm, giai đoạn 2 là 500.000 xe/năm, tốc độ sản xuất 38 xe/giờ.

nha-may-vinfast-02-2491-1577737802.jpg

Đặc biệt, VinFast là nhà máy ô tô duy nhất tại Việt Nam làm chủ được các công đoạn cốt lõi, có năng lực tự sản xuất những cấu phần chính của một chiếc ô tô như thân vỏ, động cơ... Trước đó, VinFast cũng đã xác lập các kỷ lục thế giới về việc khánh thành nhà máy sản xuất xe máy điện và phát triển thành công ba mẫu xe ô tô sedan, SUV và xe cỡ nhỏ chỉ trong vòng 12 tháng.

Song song với kỷ lục về tiến độ triển khai dự án, VinFast đã lập kỳ tích mới trên thị trường ô tô, với 10.000 đơn đặt hàng trước khi có xe thực tế một năm. Sau lễ khánh thành nhà máy, VinFast đã tổ chức bàn giao những chiếc xe đầu tiên, vượt tiến độ cam kết với khách hàng.

Cụ thể, sản phẩm VinFast Fadil được bàn giao từ tháng 7/2019, trong khi Lux A2.0 và Lux SA2.0 được giao vào cuối tháng 8/2019. Hiện tại, VinFast đang tiếp tục khẩn trương thiết kế, dự kiến sẽ ra mắt 12 mẫu ô tô các loại và xe máy điện ngay trong năm 2020.

3. Đường đua Công thức 1 tại Việt Nam

Đường đua là sản phẩm kết hợp giữa công ty thiết kế nổi tiếng Tilke và đội chuyên môn Motorsports F1. Đường đua Công thức 1 tại Việt Nam được xây dựng trong khuôn viên của khu Liên hiệp thể thao quốc gia Mỹ Đình và một phần trên đường giao thông công cộng.

Như vậy, đường đua Công thức 1 tại Việt Nam sẽ là đường đua thứ 4 trên thế giới sau Monaco, Singapore và Azerbaijan, có 2/3 cung đường nằm trong hệ thống đường giao thông công cộng, trong khi 1/3 còn lại là đường chuyên biệt. Bao quanh khu vực vạch xuất phát của đường đua là tòa nhà điều hành (Pit Building) dài 300m với thiết kế ấn tượng được xây dựng riêng. 

duongdua-02-6137-1577737803.jpg

Tòa nhà được lấy cảm hứng từ Hoàng Thành Thăng Long nổi tiếng của Hà Nội. Công trình này dự kiến được hoàn thành cơ bản trong năm 2019. Không chỉ vậy, ban tổ chức Giải đua F1 Việt Nam còn mong muốn thu thập, giới thiệu những sản vật đặc biệt từ các tỉnh, thành toàn quốc tới giải đấu.

"Chúng tôi muốn cho thế giới thấy Việt Nam là con rồng mới của châu Á, về mặt kinh tế, văn hóa, ẩm thực và con người. Việt Nam là đất nước đứng lên từ chiến tranh. Nhưng chúng tôi cũng đang phát triển mạnh mẽ với những công nghệ kỹ thuật mới", bà Lê Ngọc Chi - Tổng giám đốc Vietnam Grand Prix chia sẻ. 

4. Xe hơi nhập khẩu nguyên chiếc ồ ạt vào Việt Nam

Nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc trong năm 2019 đã gia tăng với tốc độ chóng mặt. Số liệu cập nhật từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11/2019, cả nước nhập khẩu số lượng ô tô nguyên chiếc đạt 135.230 chiếc, trị giá đạt 2,91 tỷ USD. Bộ Công Thương ước tính nhập khẩu ô tô năm 2019 sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 150.000 chiếc với trị giá hơn 3,4 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2018 (năm 2018 kim ngạch nhập khẩu xe ô tô là 1,8 tỷ USD). 

Nguyên nhân là do Nghị định 116/2017/NĐ-CP đang được xem xét sửa đổi theo hướng bỏ kiểm tra chất lượng ô tô theo lô, thay bằng kiểm tra theo mẫu, dự kiến áp dụng từ đầu năm 2020. Như vậy, việc nhập khẩu ô tô sẽ thông thoáng hơn, giảm thời gian và chi phí.

xe-nhap-khau-03-2019-1577737803.jpg

Bên cạnh đó, hàng loạt hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP... khiến Việt Nam dần dần sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xe xuất xứ từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU... từ 5-10 năm tới, nghĩa là lượng ô tô nhập khẩu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Việc nhiều dòng xe nhập khẩu, đặc biệt là các mẫu xe nhập khẩu như Honda CR-V, Ford Ranger hay Mitsubishi Xpander... đang chiếm ưu thế là điều đã được báo trước. Bởi vì tâm lý của người tiêu dùng chuộng những mẫu xe nhập khẩu thể hiện sự vượt trội trước các nhà sản xuất và lắp ráp trong nước trong cùng phân khúc như Mazda CX-5, Toyota Innova... Chẳng hạn, như mẫu xe MPV giá tốt nhất hiện nay là Xpander chỉ có mức khởi điểm 550 triệu đồng, thấp hơn Toyota Innova tới hơn 220 triệu đồng. 

5. Cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn

Năm 2019 ghi nhận kết quả tăng trưởng nhanh, phát triển mạnh mẽ của sản xuất ô tô trong nước. Ba nhà sản xuất trong nước là Trường Hải (Thaco), Huyndai Thành Công (TC Motor) và VinFast đang trên đà phát triển. Trong khi Toyota Việt Nam (TMV) cũng đã chuyển hướng chiến lược quay về lắp ráp một số sản phẩm bán chạy, Ford cũng ráo riết mang thêm các sản phẩm mới về lắp ráp... 

chon-mua-xe-02-6084-1577737803.jpg

Dự kiến kết thúc năm 2019, lượng ô tô nhập khẩu đạt khoảng 150.000 chiếc, xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 330.000 chiếc các loại, trong khi tiêu thụ của thị trường khoảng 420.000 chiếc, dẫn đến dư thừa khoảng 50.000 chiếc. Do vậy, liên tiếp trong 2 tháng cuối năm 2019, người tiêu dùng tiếp cận với rất nhiều thông tin khuyến mại, giảm giá dồn dập đến từ các hãng bao gồm cả nhập khẩu và lắp ráp dẫn tới giá xe đang giảm dần.

Uớc tính, giá xe năm 2019 đã giảm khoảng từ 8-15% so với đầu năm. Động thái này cho thấy thị trường ô tô đang có dấu hiệu “tồn kho” và áp lực bắt đầu gia tăng lên các hãng và đại lý. Bước sang năm 2020, dự báo nguồn cung sẽ tiếp tục dồi dào, lượng nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao và cạnh tranh giữa các hãng sẽ trở nên khốc liệt hơn trong giai đoạn tới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhìn lại các sự kiện xe hơi ghi dấu ấn trong năm 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO