Hàng loạt hãng chạy đua công nghệ màn hình gập
Galaxy Fold - điện thoại đầu tiên có màn hình gập của Samsung đã ra mắt tại Việt Nam vào cuối năm 2019. Một số đối thủ trên thị trường thế giới như Mate X của Huawei hay Motorola Razr cũng lần lượt ra mắt kế tiếp để cạnh tranh. Còn hãng Royole (Trung Quốc), dù đã đưa ra thị trường điện thoại gập Royole Flexpai, nhưng đến nay không thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Dự kiến, giữa tháng 2/2020, Samsung tiếp tục ra mắt mẫu Z Flip cũng được thiết kế với màn hình gập. Như vậy, điện thoại sử dụng công nghệ màn hình gập sẽ là chủ đề nóng nhất năm 2020, khi hàng loạt thương hiệu hàng đầu thế giới như Samsung, Huawei, Motorola đã và đang lên kế hoạch ra mắt các dòng sản phẩm kế tiếp như Samsung Galaxy Fold 2, Huawei Mate XS…sử dụng công nghệ màn hình cải tiến chất lượng và độ bền gập mở tốt hơn.
Nhìn lại năm 2019, tại Triển lãm Di động Toàn cầu CES vào tháng 2/2019 ở Tây Ban Nha, Samsung giới thiệu chiếc smartphone gập Galaxy Fold (giá khoảng 2.000 USD), dự kiến tung ra thị trường vào tháng 4/2019 và đã gặp phải nhiều vấn đề về việc gập mở màn hình khiến sản phẩm phải lùi thời gian ra mắt đến cuối năm 2019.
Tương tự, tại CES 2019, Huawei giới thiệu chiếc điện thoại cũng sử dụng màn hình gập Mate X (giá khoảng 2.400 USD) và cũng gặp phải những lỗi như Samsung nên cũng hoãn thời gian ra mắt đến cuối năm. Hãng Levono - hiện sở hữu thương hiệu Motorola, đã đưa ra thị trường mẫu điện thoại màn hình gập Razr 2019 với ngoại hình khá giống với chiếc Motorola V3 Razr huyền thoại của thập niên 2000. Tuy nhiên, khi sản phẩm Razr 2019 ra mắt đầu năm 2020, nó cũng gặp phải những lỗi phát sinh mới từ việc gập mở điện thoại.
Không đơn giản để thực hiện
Nhìn chung, công nghệ màn hình gập trên điện thoại là một công nghệ kỳ lạ và mang tính cách mạng nhất năm 2019, nhưng cũng là giới hạn mới nhất cho các sản phẩm công nghệ khi dễ dàng khiến chúng bộc lộ khuyết điểm.
Năm 2000, những chiếc điện thoại có thiết kế kiểu "vỏ sò" được xem là tiên phong về việc gập mở cho phong cách điện thoại thời thượng. Tuy nhiên, đó là những điện thoại có thiết kế kiểu 2 mảnh và nếu người dùng cố gắng bẻ đôi thì lập tức sản phẩm sẽ hỏng ngay.
Còn công nghệ màn hình gập sử dụng màn hình OLED với các linh kiện chuyên dụng sẽ cho phép gập lại mà không vỡ kính, hỏng pin và những thành phần điện tử bên trong. Màn hình OLED, hay còn gọi là màn hình có diode tự phát sáng hữu cơ, hoạt động bằng cách tạo ra xung điện thông qua một lưới hợp chất hữu cơ. Màn hình OLED cực kỳ mỏng, linh hoạt, không yêu cầu đèn nền và có thể tạo ra màu sắc đậm hơn màn hình LED.
Tuy nhiên, màn hình cần phải có một lớp bảo vệ bên ngoài, nên các thương hiệu lớn còn phải tìm ra cách để các linh kiện khác cũng phải bẻ cong được. Cụ thể là lớp kính bảo vệ phủ bên ngoài màn hình, các bản mạch và pin lithium-ion.
Về lý thuyết, vỏ nhôm có thể uốn cong, nhưng nó sẽ gãy sau vài lần bẻ nên vỏ điện thoại cũng là một vấn đề cần giải quyết. Bản lề khi gập mở sẽ tạo ra các khe hở và bụi, tóc, hạt cát, giọt nước có thể theo đó lọt vào bên trong bản mạch gây hư hỏng thiết bị.
Các hãng vẫn đang tìm giải pháp cho các trở ngại kể trên, tuy nhiên công nghệ vẫn đang ở giai đoạn đầu, cần thêm vài năm để mọi thứ trở nên hoàn thiện và có giá thành sản xuất rẻ hơn thì sản phẩm mới trở nên phổ biến với người dùng.
Chẳng hạn, trở ngại đầu tiên có thể nghĩ đến là kính phủ ngoài màn hình. Hãng Royole trang bị cho sản phẩm của mình màn hình bằng nhựa, loại vật liệu dễ trầy xước, xỉn màu theo thời gian nhưng đổi lại nó có khả năng chịu uốn cong dễ dàng.
Một số nhà sản xuất khác đang hợp tác với Corning để tìm ra loại kính có thể uốn dẻo, nhưng sản phẩm thương mại vẫn chưa hoàn thiện. Theo trang Slashleaks, mẫu điện thoại Samsung Z Flip mới sẽ sử dụng màn hình kính, có thể gập lại, và như vậy đây sẽ là một bước cải tiến so với dòng Fold trước đó.
Trong khi đó, màn hình gập của Motorola đã nâng cấp lên một góc nhìn hoàn toàn khác so với Samsung đã làm với Galaxy Fold. Khác với cấu tạo của Galaxy Fold cơ bản là hai chiếc điện thoại xếp cạnh nhau tạo thành một chiếc máy tính bảng được kết nối bằng bản lề - điều làm bản lề của Galaxy Fold rất hay bị lỗi và có sự cố.
Đối với Razr, Motorola sử dụng màn hình kích thước 6,2 inch có thể uốn cong và gập lại được với nhau qua bản lề được làm bằng thép không gỉ. Razr 2019 có các mối hỗ trợ màn hình giữ cho nó đủ an toàn và cứng khi mở rộng hoàn toàn. Bạn không thấy bất kỳ nếp gấp nào trên màn hình giống như Galaxy Fold.
Công nghệ này được Motorola hợp tác Lenovo nghiên cứu trong 4 năm, đưa ra tới 26 nguyên mẫu trước khi sử dụng màn hình có thể gập lại cho Razr 2019. Motorola rất tự tin vào thiết kế bản lề độc đáo này đến mức họ không nói màn hình có thể chịu được bao nhiêu lần gập trước khi hỏng.
Thế nhưng, mọi thứ cũng không ổn định, khi hàng loạt các tin thử nghiệm và đánh giá sản phẩm gần đây công bố sản phẩm không đúng như mong đợi khiến lượng thông tin tiêu cực mà Motorola phải giải quyết ngày càng nhiều hơn.
Tóm lại, đối với người tiêu dùng hiện nay, có vẻ như sự phát triển của các dòng smartphone đã đạt đến ngưỡng, không còn những bước đột phá như lúc chiếc iPhone đầu tiên ra đời năm 2007. Và, màn hình gập trong năm 2020 vẫn được xem là một "điểm tử huyệt" khi trải nghiệm sản phẩm thực tế.
Mặc dù để tạo sự đột phá, các hãng sản xuất tạo ra công nghệ màn hình có thể gập lại được nhưng từ ý tưởng cách tân này chuyển sang sản xuất thực tế là cả một thử thách cực lớn về phương diện kỹ thuật và vật liệu.