Nhà nước bảo vệ những doanh nhân làm ăn chân chính

T.H.G| 16/10/2022 09:57

Tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ sẽ không hình sự hóa các quan hệ dân sự, bảo vệ doanh nhân chân chính, nhưng cũng không dung túng những hành vi sai trái.

Nhà nước bảo vệ những doanh nhân làm ăn chân chính

Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thông điệp rất rõ của Đảng và Nhà nước là không hình sự hoá các quan hệ dân sự và bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính. Qua đó, Chính phủ tạo niềm tin và sự an tâm cho những doanh nhân làm ăn đúng pháp luật, nhờ đó, các doanh nhân có thêm động lực để hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Thủ tướng, doanh nghiệp (DN) kinh doanh chân chính là những "hòn ngọc" tạo nền tảng cho sự hưng thịnh của đất nước, vì vậy, cần được Nhà nước bảo vệ bằng những hành động cụ thể. Theo đó, Chính phủ kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo, làm mất niềm tin, tài sản của nhân dân và làm băng hoại văn hóa, đạo đức, uy tín nhà đầu tư, DN, doanh nhân chân chính. Đó là cách để thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo điều kiện cho những doanh nhân tử tế làm ăn, làm giàu và cống hiến cho đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, những doanh nhân làm ăn chân chính sẽ được Nhà nước bảo vệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, những doanh nhân làm ăn chân chính sẽ được Nhà nước bảo vệ.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định, trước khi chờ sự bảo vệ từ phía Nhà nước, bản thân DN phải tự bảo vệ mình bằng việc sản xuất, kinh doanh một cách tử tế, tôn trọng pháp luật.

Có thể thấy, “Bảo vệ những doanh nghiệp chân chính” không phải là câu nói suôn của đại diện Chính phủ, bởi trong những hoàn cảnh khó khăn của đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN. Ví như trong giai đoạn dịch Covid-19, Chính phủ đã đưa ra 3 gói hỗ trợ lớn: Chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất...); chính sách hỗ trợ tín dụng như hỗ trợ lãi suất cho DN vay để phát triển sản xuất (gói tín dụng 250.000 tỷ đồng); chính sách an sinh xã hội (gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng)… Những chính sách này đã giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn, thử thách để có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế nước nhà phục hồi sau đại dịch.

Để tiếp tục đồng hành cùng đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN phát triển cả về chất và lượng, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối điều hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả. Ngoài ra, Chính phủ sẽ phát triển, lành mạnh hoá, củng cố niềm tin nhà đầu tư với các thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, bất động sản.

Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển. Đồng thời, khu vực kinh tế ngoài nhà nước cũng được tạo điều kiện để tham gia các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hình thức hợp tác công - tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà nước bảo vệ những doanh nhân làm ăn chân chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO