Ngành dệt may: Cân nhắc "yếu tố Trung Quốc"

HOÀNG LONG| 29/05/2014 09:23

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam và DN FDI Trung Quốc, ai sẽ hưởng lợi từ TPP?

Ngành dệt may: Cân nhắc

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam và DN FDI Trung Quốc, ai sẽ hưởng lợi từ TPP?

Đọc E-paper

Trong khi các DN dệt may trong nước đang loay hoay chuẩn bị cho TPP, nhiều công ty dệt may Trung Quốc đã tăng tốc đầu tư vào Việt Nam. Một số dự án lớn trong thời gian qua có thể kể đến là nhà máy sợi 300 triệu USD tại Quảng Ninh của Tập đoàn Texthong Textile, dự án Trung tâm Thiết kế thời trang và hàng may mặc cao cấp trị giá 140 triệu USD tại TP.HCM của Tập đoàn Shenzhou International và dây chuyền khép kín từ sợi, đến dệt, nhuộm 68 triệu USD ở Nam Định của Tập đoàn Yulun Giang Tô.

Việc đầu tư vào Việt Nam có thể xem là chiến lược của các DN Trung Quốc để được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu hàng dệt may sang các nước TPP. Bên cạnh đó, các công ty dệt may của Trung Quốc được hưởng lợi lớn từ chi phí nhân công rẻ cũng như các chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

So với các công ty Trung Quốc, DN dệt may Việt Nam thua kém hẳn về vốn và công nghệ. Ngay cả nhiều DN may niêm yết hiện nay như GMC, GIL, TET vẫn phụ thuộc một phần đáng kể nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trừ những DN có sẵn quy trình sản xuất khép kín như TCM hay HDM và một số DN thuộc Vinatex, không nhiều DN dệt may Việt Nam có khả năng đáp ứng được điều kiện "từ sợi trở đi" của TPP. Do đó, nhìn chung, các DN dệt may trong nước khó có thể cạnh tranh về xuất khẩu với các công ty FDI từ Trung Quốc khi TPP được ký kết.

Cũng liên quan đến vấn đề này, gần đây, một số nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ngành này đặt câu hỏi với Công ty Chứng khoán Rồng Việt rằng về tình hình Biển Đông ảnh hưởng như thế nào quan hệ thương mại trong lĩnh vực dệt may giữa Việt Nam và Trung Quốc?

Theo thống kê, năm 2013, 45% giá trị nhập khẩu vải và 32% giá trị nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam là đến từ Trung Quốc. Do đó, nếu quan hệ thương mại Việt-Trung trở nên căng thẳng, chi phí sản xuất dệt may trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các DN Việt Nam có thể phải chuyển sang mua xơ, sợi từ Brazil, Ấn Độ, Pakistan và nhập khẩu vải từ Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc.

Giá cả từ các nguồn cung cấp này không chênh lệch nhiều nên tác động lên chi phí đầu vào là không quá lớn. Dù vậy, vẫn có một yếu tố quan trọng là cả Trung Quốc và các quốc gia nói trên đều không tham gia vào TPP.

Theo đó, việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu như vậy cũng không giúp các DN dệt may Việt Nam đáp ứng được điều kiện "từ sợi trở đi" của TPP. Về dài hạn, sớm hay muộn, các DN dệt may vẫn phải tự đầu tư để làm chủ quy trình sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nói chung chứ không chỉ riêng từ Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành dệt may: Cân nhắc "yếu tố Trung Quốc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO