Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với tháp điện gió Trung Quốc
Bộ Công Thương xác định tháp điện gió nhập khẩu từ Trung Quốc có hành vi bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Ngày 24/12, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3453, áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong vòng 5 năm đối với một số sản phẩm tháp điện gió có xuất xứ từ Trung Quốc. Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Cụ thể, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tháp điện gió có xuất xứ từ Trung Quốc theo mã hàng hoá (mã HS) 7308.20.11 và 7308.20.19, trong trường hợp được nhập khẩu như là một bộ phận của tổ máy phát điện chạy bằng sức gió thì được phân loại theo mã HS 8502.31.10 à 8502.31.20 (mã vụ việc: AD 18).
Theo đó, sản phẩm tháp điện gió bị áp thuế chống bán phá giá là một phần của các máy phát điện sử dụng sức gió, thường có kết cấu bằng thép theo dạng hình trụ. Tháp điện gió là phần nối giữa đế tháp và buồng chứa tuabin điện gió. Sản phẩm này được dựng trên phần đế tháp để chống đỡ tuabin gió và cánh quạt, có tác dụng chịu lực trong quá trình vận hành của máy phát điện sử dụng sức gió.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng công bố mức thuế chống bán phá giá áp dụng là 97% có các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất loại hàng hóa trên, trừ Công ty Jiangsu Zhenjiang New Energy Equipment Co.,Ltd, do không có hành vi bán phá giá trong thời kỳ điều tra.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát việc thực thi Quyết định 3543, trên cơ sở tình hình nhập khẩu hàng hóa do cơ quan hải quan cung cấp.
Trước đó, vào tháng 9/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2494 chính thức điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với tháp điện gió từ Trung Quốc, sau khi tiếp nhận một số đề nghị từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Sau 15 tháng điều tra, Cục Phòng vệ Thương mại (cơ quan điều tra) kết luận, đây là lĩnh vực trong nước có thể sản xuất với chất lượng tốt và được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.