Ngân hàng Việt Nam: Những bài học đã quên

03/06/2009 09:00

Có thể nói, sau cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, quốc gia nào cũng đang “xét lại” hoạt động của hệ thống ngân hàng nước mình, bởi đó chính là huyết mạch của nền kinh tế. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, dù hệ thống ngân hàng nước ta có những đặc thù riêng.

Ngân hàng Việt Nam: Những bài học đã quên

Có thể nói, sau cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, quốc gia nào cũng đang “xét lại” hoạt động của hệ thống ngân hàng nước mình, bởi đó chính là huyết mạch của nền kinh tế. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, dù hệ thống ngân hàng nước ta có những đặc thù riêng.

Bài viết hai kỳ của chuyên viên ngân hàng HUỲNH BỬU SƠN khái quát cả một quá trình hình thành hệ thống ngân hàng thương mại của nước ta, những bài học và cả những điều cần thực hiện trong thời gian tới. 

Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam có thể được xếp vào hàng ngũ hệ thống ngân hàng non trẻ nhất thế giới. Nhưng những kinh nghiệm, những bài học mà nó trải qua chắc chắn không ít hơn các ngân hàng lão làng tại các nước công nghiệp phát triển.

Lịch sử ngắn ngủi hai thập niên của các ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến nhiều thăng trầm: từ lúc mang nặng đẻ đau đầy khó khăn của những năm cuối thập niên 1980 khi đất nước còn lạ lẫm bước vào thời kỳ Đổi mới và Mở cửa đầy hy vọng và nền kinh tế mệt mỏi sau chiến tranh đang gắng sức vượt qua tình trạng lạm phát trì trệ để bắt đầu tiến trình tăng trưởng, cho đến giai đoạn sơ sinh khó nuôi được đánh dấu bằng nhiều cơn sốt trong đó có tình trạng nợ khó đòi của các doanh nghiệp nhà nước và cuộc đổ bể tín dụng vào đầu thập niên 1990.

Tiếp theo đó là thời kỳ dậy thì (1992-1997) đầy thử thách. Các ngân hàng quốc doanh phát triển nhanh chóng và cùng với sự ra đời của đông đảo các ngân hàng cổ phần, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã bước vào giai đoạn tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đang bắt đầu khởi động mạnh mẽ.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng non trẻ này đã bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều ngân hàng nhưng không có nhiều nguồn vốn huy động được từ trong nước, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn, lãi suất huy động lại quá cao và toàn hệ thống vẫn còn thiếu một hệ thống thanh toán đáp ứng đúng mức nhu cầu chi trả không dùng tiền mặt của người dân và doanh nghiệp.

Nền kinh tế tiền mặt lại bị đôla hóa và vàng hóa. Đồng tiền chỉ nằm trong hệ thống ngân hàng như một giai đoạn trung chuyển và dễ dàng mất hút vào trong các mê lộ của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ vẫn là thắt chặt, tín dụng cho khu vực tư không đáp ứng đủ cho nhu cầu tăng trưởng của nó - Ngân hàng Nhà nước vẫn còn mang nỗi ám ảnh sâu đậm của thời kỳ lạm phát trì trệ trước đây.

Thiếu vốn từ bên trong, các ngân hàng thương mại Việt Nam phải đi tìm nguồn vốn ngắn hạn từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu vốn cho các khách hàng thân thiết, các cổ đông lớn của mình. Người ta nhận ra rằng điều này có thể thực hiện được qua hình thức mở thư tín dụng (L/C - Letter of Credit) mua hàng trả chậm với kỳ hạn thông thường là từ sáu tháng đến một năm, tùy sự tín nhiệm mà ngân hàng Việt Nam tạo được đối với ngân hàng đối tác nước ngoài.

Tình hình này đã dẫn đến hiện tượng lạm phát các khoản nợ thương mại ngắn hạn đối ngoại, dưới hình thức các L/C trả chậm do các ngân hàng Việt Nam phát hành cho các đồng nghiệp nước ngoài của họ mà năng động nhất là các ngân hàng Hàn Quốc, Nhật Bản.  

Vào năm 1995-1996, đêm trước của cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997, các nền kinh tế ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á tăng trưởng mạnh mẽ, các dòng vốn từ Tây Âu và Bắc Mỹ ồ ạt đổ vào nơi này và tình trạng thừa vốn đã khiến cho việc cấp phát tín dụng của các ngân hàng trên toàn khu vực trở nên lỏng lẻo.

Việt Nam không phải là một quốc gia có chỉ số tín nhiệm cao vào thời điểm đó, nhưng việc đánh đổi một rủi ro với quy mô không lớn và một thời hạn không dài để đổi lấy việc bán được hàng tồn kho với giá cao ngất ngưởng là một việc mà các ngân hàng khu vực có thể chấp nhận được với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của họ.

Các nguồn vốn ngắn hạn này, dưới hình thức các khoản tiền thu được từ việc bán hàng mua trả chậm, được các ngân hàng Việt Nam chuyển cho các doanh nghiệp sử dụng để đầu tư vào bất động sản, nhất là đất đai, một thứ tài sản có giá trị tăng chóng mặt vào lúc đó. Cơn sốt đất đai đã thu hút mọi nguồn vốn khả dụng của cá nhân và doanh nghiệp, những người được xem là có tầm nhìn xa và có một trực giác kinh doanh cực kỳ nhạy bén. Họ được sự ủng hộ tài trợ tích cực của các nhà ngân hàng, vì là cổ đông lớn hoặc có quan hệ thân hữu đặc biệt.

Khi việc kinh doanh bất động sản bất ngờ trở nên đình trệ sau khi được quản lý chặt chẽ theo một nghị định của Chính phủ, các nhà doanh nghiệp này, được mệnh danh là những đại gia tỉ phú không tiền (vì bao nhiêu tiền vốn và tiền vay đã đổ vào các dự án bất động sản khổng lồ), bị đột ngột phá sản do không còn tiền mặt để thanh toán các khoản nợ đến hạn, và bị kết tội vì trong cơn khát thanh khoản đã sử dụng những thủ đoạn trái luật để đảo nợ hoặc đảo chấp tài sản tại các ngân hàng.

Sự phá sản của những doanh nghiệp tư nhân lớn đã lôi kéo theo sự sụp đổ của một số ngân hàng cổ phần và điều này tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sự an toàn của toàn hệ thống. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á bùng phát vào thời điểm 1997 không ngờ lại có một hệ quả tích cực đối với các ngân hàng con nợ Việt Nam đang trên bờ vực mất khả năng thanh toán đối ngoại.

Các khoản nợ L/C không thanh toán được khi đáo hạn, dù là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc thanh toán quốc tế nhưng được thông cảm hơn trong tình hình khủng hoảng khi toàn thể hệ thống ngân hàng trong khu vực đều lâm vào tình trạng tương tự và do đó dễ dàng được chấp nhận hoãn thanh toán, được miễn giảm, thậm chí giảm đến mức 80% giá trị. Tuy uy tín có tổn thương đôi chút, nhưng khi được trút bớt gánh nặng nợ đối ngoại, đa số ngân hàng đã dễ thở hơn và có được thời gian quý giá để khắc phục hậu quả những sai lầm và củng cố hoạt động của mình.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thời gian điểm lại các mặt mạnh yếu của các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng cổ phần, thực hiện kế hoạch tái cấu trúc và ổn định hệ thống ngân hàng, đảm bảo việc trả tiền gửi tiết kiệm của người dân, loại bỏ những ngân hàng yếu, củng cố lại những ngân hàng còn cứu vãn được. Tình hình trở nên ổn định dần.

Trong cái rủi có cái may: cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á đã cứu một bàn thua trông thấy cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, dù có được cứu vãn từ những sai lầm của mình, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã phải đi vào một giai đoạn thoái trào. Sự suy yếu của hệ thống ngân hàng sau năm 1997 có thể là một trong những nguyên nhân của tình hình suy giảm kinh tế Việt Nam từ thời điểm đó cho đến sau năm 2000 và ngược lại tình hình suy giảm kinh tế lúc đó cũng đã làm chậm đi tốc độ tăng trưởng của hệ thống ngân hàng.

Nhưng khi nhìn lại, chúng ta thường dễ chấp nhận rằng suy thoái kinh tế của nước ta trong thời kỳ đó là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tiền tệ tài chính khu vực. Các ngân hàng còn tồn tại bước vào một thời kỳ tăng trưởng mới và các nhà quản trị ngân hàng mới dấn thân vào những kế hoạch phát triển mới nhằm mang lại tối đa lợi nhuận có thể cho các ông chủ của mình, cũng như sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kinh doanh mới của các cổ đông đầy quyền lực.

Khi quên đi những bài học đắt giá cũ, như sự manh nha nguy hiểm của chủ nghĩa tín dụng thân hữu, việc sử dụng đầy rủi ro các nguồn tiền ngắn hạn để đầu tư dài hạn, và đặc biệt việc chạy theo sự tăng giá ảo của các tài sản bong bóng, các ngân hàng của chúng ta dường như đã lặp lại những sai lầm này chưa đến một thập niên sau.

Tăng cường kiểm tra trên diện rộng hoạt động kinh doanh ngoại hối

Ngày 29/5 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng sáu tháng cuối năm 2009 dưới sự chủ trì của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu.

Một số chỉ đạo đáng chú ý của Thống đốc NHNN về từ nay đến cuối năm 2009 như sau:

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra thực hiện hỗ trợ lãi suất, quản lý hoạt động của thị trường ngoại hối. Ngay từ đầu tháng 6/2009, Thanh tra NHNN cần tăng cường kiểm tra, thanh tra trên diện rộng hoạt động kinh doanh ngoại hối tại các NHTM, nhằm giải quyết tình trạng các doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ, không bán lại cho các NHTM, sử dụng ngoại tệ thế chấp để vay nội tệ, kiên quyết xử lý những vi phạm và lợi dụng chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất hiện nay.

- Tập trung nỗ lực đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo thanh khoản của tổ chức tín dụng, đặc biệt là các NHTM nhà nước.

- Hoàn thiện hệ thống thể chế về tiền tệ và ngân hàng, nhất là tập trung hoàn thành việc xây dựng và trình Quốc hội hai dự án Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức Tín dụng.

Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất: 319.074 tỉ đồng

Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất (HTLS) đến ngày 28/5/2009 là 319.074,63 tỉ đồng, tăng 17.692,86 tỉ đồng (tương đương tăng 5,87%) so với ngày 21/5/2009.

Về cơ cấu tiền vay, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vay 50.934,9 tỉ đồng, giảm 13.862,19 tỉ đồng (tương đương giảm 21,39% so với ngày 21/5/2009). Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…) vẫn dẫn đầu về khối lượng vốn vay, với 209.485,95 tỉ đồng, tăng 31.158,36 tỉ đồng (tương đương tăng 17,47%).

Một điểm đáng chú ý là dư nợ cho vay với đối tượng hộ gia đình, cá nhân cũng khá cao (hơn cả dư nợ của khu vực DNNN) với 56.027,37 tỉ đồng, tăng 4.159,57 tỉ đồng (tương đương tăng 8,01%). 

Q.N. (Nguồn: NHNN)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng Việt Nam: Những bài học đã quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO