Nền kinh tế quý II theo kịch bản nào?

Nguyễn Hoàng| 29/04/2020 06:00

Nền kinh tế chỉ có thể trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây khi thế giới khống chế được dịch Covid-19.

Với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam đang chịu những đứt đoạn vì dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế quý I/2020 chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm 2019. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là rất đáng báo động. 

Trong quý I, đã 30.902 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, trong khi đó, kết thúc quý I/2020, nợ xấu ở các tổ chức tín dụng có thể lên đến 2 triệu tỷ đồng. Nền kinh tế trong quý II được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm, thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng 1,5 - 1,6 điểm phần trăm, lên 5-5,1% GDP, thu ngân sách dự kiến giảm khoảng 140.000 - 150.000 tỷ đồng. 

Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) mới đây đã đưa ra 3 kịch bản kinh tế được xây dựng dựa trên 3 khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới với giả định bệnh dịch không bùng phát mạnh.

Một là, bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5, trong khi thế giới bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa thì hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ chỉ dần hồi phục bắt đầu vào cuối quý II. 

Link bài viết

Hai là, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý III trong khi thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội thì hoạt động kinh tế chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý III. 

Thứ ba, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế toàn toàn vào nửa sau quý IV, trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội thì hoạt động kinh tế chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý IV.

PGS-TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của VEPR cho rằng, trong bất kỳ kịch bản nào trong thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, sự phục hồi của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch. Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn trên, nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc thế giới chế được vắc xin chống SARS-CoV-2. 

Kinh tế trưởng của VEPR khẳng định: "Con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn thật của nền kinh tế do không thể thống kê đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với những đợt suy thoái kinh tế trước đây". 

Theo ông, Nhà nước cần xây dựng các chính sách ứng phótương ứng các cấp độ về bệnh dịch, chia thành cấp độ "hỗ trợ""cứu trợ", phải tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động. Trong dài hạn, cần có những chính sách xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào vài thị trường nước ngoài. 

Ngày 4/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg Về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách giải quyết cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Theo TS. Phạm Sỹ Thành - chuyên gia kinh tế độc lập, Việt Nam cũng có thể thực hiện "chính sách duy trì".

Mục tiêu của chính sách này là khôi phục và duy trì sản xuất ở mức không làm tê liệt nền kinh tế, trước mắt ưu tiên các thành phố lớn. Chính sách này đưa doanh nghiệp quay lại sản xuất và nhận được hỗ trợ của Chính phủ từ các gói tài khóa, tiền tệ, bảo hiểm xã hội.

Tất nhiên, doanh nghiệp phải đóng thuế lũy tiến với một thời hạn nhất định, có thể là một vài năm. Số tiền thu được, Nhà nước có thể lập quỹ phản ứng đặc biệt dành hỗ trợ cá nhân, gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Những doanh nghiệp có trường hợp lao động bị mắc bệnh sẽ có chính sách hỗ trợ riêng của Chính phủ nếu lại phải ngừng sản xuất. 

Một điểm quan trọng trong "chính sách duy trì", theo TS. Thành, nên tạm dừng xây sân bay, cầu cảng, có thể đầu tư cho ngành y tế, công nghệ nghiên cứu khoa học, đầu tư cho hoạt động y tế, ví dụ tăng tiền lương cho đội ngũ thầy thuốc, hoặc đầu tư cho các lĩnh vực của kinh tế chia sẻ và kinh tế nền tảng. 

Với thực trạng nền kinh tế hiện nay, Nhà nước cần sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực hạn hẹp, "dùng và chia sẻ" các nguồn lực bằng cơ chế thị trường, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân hành động mâu thuẫn với chính sách trung ương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền kinh tế quý II theo kịch bản nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO