Nền kinh tế không âm, nhưng “sức khoẻ” chưa ổn

Nguồn: Dân Trí| 03/10/2009 01:03

Nền kinh tế không âm, nhưng sức khoẻ của nó có vấn đề, cần theo dõi đánh giá trong năm 2010”, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách, Phùng Quốc Hiển nhận định.

Nền kinh tế không âm, nhưng “sức khoẻ” chưa ổn

“Nền kinh tế không âm, nhưng sức khoẻ của nó có vấn đề, cần theo dõi đánh giá trong năm 2010”, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách, Phùng Quốc Hiển nhận định. Theo ông Hiển, mức lạm phát 7% tiềm ẩn nhiều vấn đề, trong khi bội chi 6,9% là “chưa tích cực”.

Tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội của Thường vụ Quốc hội chiều 2/10, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phùng Quốc Hiển đánh giá, tăng trưởng 2009 đạt 5,2% (như dự kiến) là sự cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, đi sâu vào “khám sức khỏe” nền kinh tế, còn có những vấn đề đáng phải lo. 

Bức tranh kinh tế sẽ đẹp hơn, nếu mức bội chi ngân sách thấp hơn nữa

Công nghiệp là xương sống của nền kinh tế, nhưng tăng trưởng rất thấp. Nền kinh tế có tính hướng ngoại, nhưng xuất khẩu không những không đạt mức tăng 3% như Quốc hội đề ra mà còn âm 9,9%.

Mức lạm phát 7% dù thấp hơn nhiều so với Quốc hội đặt ra (dưới 10%), nhưng vẫn là cao và tiềm ẩn nhiều vấn đề. Đặc biệt chỉ số ICOR (Incremental Capital Output Ratio - chỉ số gia tăng của vốn đầu tư toàn xã hội so với tăng trưởng kinh tế) tăng lên 8, trong khi mức bình thường của các nước kém phát triển là 3,5 - 4.

Mức bội chi ngân sách 6,9% GDP của 2009 cũng được ông Hiển đánh giá là “chưa tích cực lắm”. Bởi lẽ, Quốc hội đặt ra bội chi 7% GDP trên cơ sở tính toán của Chính phủ là giảm thu 40 - 60 ngàn tỉ, nhưng thực tế mức thu không giảm mà còn vượt 750 tỉ đồng. Mức bội chi do vậy theo ông Hiển có thể giảm được thấp hơn mức 6,9%.

Từ các phân tích trên ông Hiển nhận định: “Nền kinh tế không âm nhưng sức khoẻ của nó có vấn đề, cần theo dõi đánh giá trong năm 2010”.

Về các chỉ tiêu của năm 2010, ông Hiển đồng tình với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% và chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 7%. “Chính phủ điều hành mà Chính phủ đặt CPI là 7% thì chúng ta không nên nói 8%”, ông Hiển góp ý với báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế.

Về bội chi ngân sách, theo ông Hiển, chúng ta có dư địa đưa xuống dưới mức Chính phủ đề xuất (6,5 %  GDP). Cụ thể, từ việc không giảm thuế, ngân sách có thêm 20 ngàn tỉ đồng, cộng với việc nguồn thu từ dầu cao hơn do giá dầu được dự báo 65 USD/thùng, thậm chí có thể 75 USD/thùng.

Đó là chưa kể, tăng trưởng kinh tế năm 2010 cao hơn năm trước, nguồn thu cũng sẽ tăng hơn… “Nếu Chính phủ đặt bội chi ngân sách xuống dưới 6% GDP thì ta sẽ thấy một hình ảnh rất đẹp”, ông Hiển gợi ý.

Hình ảnh đẹp ông Hiển mong muốn là 2009 bội chi ngân sách gần 7% GDP, năm 2010 còn 6% GDP và năm 2011 còn 5% GDP.

“Về bội chi chúng tôi thấy là chưa tích cực. Tôi là Bộ trưởng Tài chính, tôi muốn bội chi thấp để giảm áp lực”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh chia sẻ với ông Phùng Quốc Hiển sau đó.

Theo ông Ninh lý giải, tổng thu ngân sách nói chung vượt, nhưng ngân sách Trung ương hụt từ nguồn dầu thô, thuế xuất nhập khẩu, trong khi tăng thu ở các địa phương không thể lấy về. Thêm đó, có những khoản phát sinh trong năm 2009 không được duyệt trong kế hoạch ban đầu như chính sách nhà ở cho người nghèo, chính sách cho 62 huyện nghèo cùng với việc mở các kênh vay ưu đãi lớn hơn, rộng hơn.

Cũng theo Bộ trưởng Tài chính, chi ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp nên Chính phủ đề nghị cho hạ bội chi từ từ. “Nếu sang năm hạ mạnh quá, phát triển kinh tế sẽ khó khăn”, ông Ninh phân trần.  

Liên quan đến chỉ tiêu giảm nghèo, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội - bà Trương Thị Mai - cho rằng, dù mỗi năm chúng ta đã giảm được được 2% số hộ nghèo, nhưng chất lượng là vấn đề cần quan tâm.

Từ mục tiêu “giảm nghèo nhanh, bền vững”, bà Mai đặt câu hỏi với Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, liệu nhanh có bền vững được không? Bà Mai tỏ ra “băn khoăn” khi có những tỉnh nghèo lại giảm nghèo nhanh, chẳng hạn như Yên Bái năm vừa qua giảm 4% số hộ nghèo. “Ở đây có áp lực thành tích nào không và liệu có bền vững không?” - bà Mai nêu câu hỏi.

Cũng theo bà Mai, qua giám sát có 1 triệu hộ cận nghèo mà lẽ ra họ là hộ nghèo, nhưng do chúng ta chưa điều chỉnh chuẩn nghèo nên những hộ này nằm ngoài danh sách và không được hỗ trợ.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, năm 2010 Chính phủ sẽ xây dựng chuẩn nghèo mới. Chuẩn nghèo mới cùng các chính sách đi theo sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm 2011.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền kinh tế không âm, nhưng “sức khoẻ” chưa ổn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO