Năng lượng mặt trời: Đói đầu tư

24/11/2011 02:47

Giá bán các loại panel quang năng giảm đến 35% và cổ phiếu của các công ty năng lượng mặt trời cũng tuột dốc không phanh. Phải chăng thị trường này không còn hấp dẫn?

Năng lượng mặt trời: Đói đầu tư

Giá bán các loại panel quang năng giảm đến 35% và cổ phiếu của các công ty năng lượng mặt trời cũng tuột dốc không phanh. Phải chăng thị trường này không còn hấp dẫn?

Cuối năm 2010, các sản phẩm panel quang năng (tấm pin năng lượng mặt trời) bán đắt như tôm tươi, còn thị trường năng lượng sạch này tăng trưởng một cách ổn định. Ai ngờ chỉ sau 1 năm, bức tranh thị trường chuyển sang một gam màu hoàn toàn đối lập.

Cổ phiếu tụt dốc

Việc 2 thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới Đức và Ý cắt giảm trợ cấp cho ngành năng lượng này và sản lượng panel quang năng tăng vọt trong thời gian qua, đã khiến thị trường lâm vào tình trạng thừa cung. Giá bán các loại panel quang năng giảm đến 35% trong năm nay. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của các công ty năng lượng mặt trời cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tại Mỹ, dù là công ty sản xuất panel quang năng với chi phí thấp nhất ngành nhưng giá cổ phiếu của First Solar đã giảm đến 57% trong năm nay, rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua. Ngày 17.10, cổ phiếu của First Solar được giao dịch ở mức 52,6 USD/cổ phiếu, chỉ bằng chưa đến 1/3 168,2 USD hồi giữa tháng 2 năm nay.

Số phận của đối thủ cạnh tranh SunPower Corp cũng không khá hơn khi giá cổ phiếu của hãng này giảm hơn 30% dù được Total SA, gã khổng lồ trong lĩnh vực dầu khí, mua lại 60% cổ phần hồi đầu năm.

Tình cảnh của các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Cổ phiếu của Suntech Power Holdings và Trina Solar đã mất giá hơn 70% giá trị trong năm nay, tổn thất của Yingli Green Energy thấp hơn đôi chút với khoản giảm hơn 60%, trong khi tình hình của JA Solar Holdings đáng lo ngại hơn cả khi giá cổ phiếu hãng này đã giảm gần 73%.

Mặc dù vậy, vẫn chưa có nhà sản xuất nào lâm vào tình trạng giá cổ phiếu “rơi tự do” như tại Đức, quốc gia tiêu thụ năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.

Nhiều lời chỉ trích cho rằng ngành công nghiệp quang năng của Đức đã lệ thuộc quá nhiều và quá lâu vào các khoản trợ cấp của Chính phủ nên các công ty không kịp thích ứng khi Chính phủ cắt giảm trợ cấp để ngành này nâng cao tính hiệu quả chi phí hơn.

Việc chính phủ cắt giảm trợ cấp buộc các công ty phải tăng giá bán để bù đắp khoản thiếu hụt, khiến nhu cầu thị trường chững lại trong các tháng cuối năm 2011 và kết quả là tỉ lệ tồn kho ở nhiều công ty sản xuất đang tăng cao. Trong nỗ lực tìm kiếm doanh thu và giảm lượng hàng tồn kho, nhiều công ty sản xuất panel quang năng bắt đầu giảm giá sản phẩm trong tháng 5, 6, và 7 vừa qua.

Cơ hội sàng lọc thị trường

Giá bán các panel quang năng giảm đáng kể trong năm nay thật sự là thử thách lớn đối với các nhà sản xuất bởi hiện biên lợi nhuận và giá cổ phiếu của họ đã xuống đến mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để sàng lọc lại ngành năng lượng sạch này.

Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến nhiều công ty năng lượng mặt trời phá sản như Solyndra dù nhận được khoản vay đảm bảo trị giá 535 triệu USD của Chính phủ Mỹ. Ba tuần trước khi Solyndra tuyên bố phá sản, Bộ Năng lượng Mỹ đã ban hành một đảm bảo vay trị giá 197 triệu USD cho SoloPower, một công ty khác ở San Jose cũng sử dụng công nghệ đột phá nhưng rủi ro tương tự như của Solyndra. Trong 6 năm hoạt động, SoloPower chưa bao giờ có lợi nhuận dù nhận được không ít hỗ trợ từ Chính phủ.

Từ những vụ việc nêu trên, các chính trị gia đặt nghi vấn rằng liệu Chính phủ Mỹ nên tiếp tục hỗ trợ ngành năng lượng sạch này?

Theo các chuyên gia phân tích về ngành năng lượng mặt trời, giá bán của quang năng sẽ nhanh chóng tiệm cận giá điện sản xuất từ các loại nhiên liệu hóa thạch và theo đó, các khoản trợ cấp của chính phủ sẽ giảm hoặc bị cắt hẳn.

Một tương lai rõ ràng hơn

Theo ông Christopher Norris, Tổng Giám đốc công ty sản xuất panel quang năng Mỹ Alta Devices, chi phí sản xuất 1 watt điện từ panel quang năng vào khoảng 1,75 USD/watt hồi đầu năm đã giảm còn 1,10 USD/watt vào những tháng cuối năm nay và sẽ còn tiếp tục xuống thấp đến mức 0.5 - 0.6 USD/watt vào năm 2014.

Giá điện từ quang năng hiện dao động trong khoảng 120-140 USD cho mỗi megawatt giờ. Tuy khoảng cách vẫn còn khá chênh lệch so với các nguồn sản xuất điện năng khác như mức 70 USD của điện gió trên đất liền hay 70-90 USD của khí tự nhiên nhưng nó sẽ nhanh chóng thu hẹp chỉ trong vài năm nữa. Nhưng đây đã là mức giá có lãi nếu so sánh với chi phí sản xuất điện năng từ nhiệt điện ở các nước đang phát triển như Ấn Độ.

Cụ thể, nếu vào mùa cao điểm tiêu thụ điện năng, một nhà máy nhiệt điện chạy bằng diesel công suất 7.000 MW/năm phải tốn đến 250 USD cho mỗi megawatt. Tại một quốc gia sở hữu nguồn ánh sáng mặt trời quanh năm như Ấn Độ, Trung Quốc, châu Phi và Trung Đông, rõ ràng quang năng sẽ là nguồn năng lượng sạch không chỉ đảm bảo về tính thân thiện môi trường mà còn có lợi thế về giá rẻ.

Chính vì lẽ đó, ông Arno Harris, Tổng Giám đốc công ty năng lượng mặt trời Recurrent Energy (Mỹ), cho rằng: “Với việc công suất lắp đặt các panel quang năng tại Mỹ có thể tăng gấp đôi, đạt 1,5 gigawatts trong năm nay, rõ ràng thị trường này đang tăng trưởng mạnh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năng lượng mặt trời: Đói đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO