Năm 2015, nhiều DNNN thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng

27/08/2016 06:21

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa được công bố ngày 26/8, nhiều DNNN tiếp tục thua lỗ, trong khi quản lý chi ngân sách nhà nước vẫn rất lỏng lẻo.

Năm 2015, nhiều DNNN thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng

Nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục thua lỗ, trong khi quản lý chi ngân sách nhà nước vẫn rất lỏng lẻo, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 26/8.

Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2015 Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, trong năm 2015, cơ quan này đã kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước của 234 tập đoàn, tổng công ty.

Có 5/38 tập đoàn, tổng công ty hoạt động thua lỗ. Cụ thể, Vinalines lỗ hơn 3.478 tỷ đồng, Tổng công ty 15 lỗ hơn 471 tỷ đồng, Vinaincon lỗ hơn 131 tỷ đồng, Tổng công ty Mía đường II lỗ hơn 15 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk lỗ 2,95 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2014 của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giảm 10,45%, Vinaconex giảm 3,3%.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn như MobiFone có 331 tỷ đồng nợ khó đòi (chiếm 30,4% nợ phải thu), Hapro nợ khó đòi là 376 tỷ đồng, Vinataba nợ khó đòi 86 tỷ đồng… MobiFone chưa thực hiện đúng doanh thu, chi phí, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về khuyến mãi, về xác định và báo cáo giá thành.

PetroVietnam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa mở tài khoản tại ngân hàng để theo dõi riêng quỹ sắp xếp doanh nghiệp theo quy định. Một số đơn vị khác chưa tuân thủ quy định về quản lý tiền lương.

Qua kiểm toán, các khoản thuế và các khoản phải nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty được điều chỉnh tăng 6.220 tỷ đồng.

Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) phải nộp thêm gần 4.563 tỷ đồng, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) phải nộp thêm 758 tỷ đồng, Tổng công ty Bia rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) phải nộp thêm 210 tỷ đồng, Công ty Thông tin di động Việt Nam (MobiFone) phải nộp thêm 201 tỷ đồng, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) phải nộp thêm 128 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải nộp thêm 99 tỷ đồng...

Hầu hết đều phải vay vốn ngân hàng, hệ số nợ phải trả cao, đầu tư vào bất động sản thất bại, phản ánh không đúng thu chi… là những hạn chế, sai sót của các tập đoàn, tổng công ty.

>Nỗi ám ảnh nợ xấu và bội chi ngân sách

>Cải cách DNNN: Cần buông bỏ nếp làm ăn cũ

>Cổ phần hóa DNNN: Bên mặn, bên ngọt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2015, nhiều DNNN thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO