Mỗi “công bộc của dân” đọc lại Di chúc để rèn luyện mình tốt hơn

26/08/2014 00:30

Cho đến những dòng cuối cùng của cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhấn mạnh việc chăm lo bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cho lực lượng công chức.

Mỗi “công bộc của dân” đọc lại Di chúc để rèn luyện mình tốt hơn

Tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng để có/và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ công chức vừa hồng vừa chuyên là điều kiện quan trọng để bảo đảm cho bộ máy nhà nước hoạt động tốt, có hiệu quả và ít “bệnh tật”. Những điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Đọc lại Di chúc của Người sau 45 năm, suy nghĩ về những căn dặn cuối cùng của Người để nhận rõ hơn trách nhiệm và nhiệm vụ của mỗi công chức, viên chức hôm nay là điều cần thiết.

Nhà nước chúng ta đang (và còn phải) phấn đấu xây dựng là chính quyền nhân dân - của dân, do dân, vì dân - trong đó dân là chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chính phủ là “người đày tớ trung thành” của nhân dân. “Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”. “Việc gì có lợi cho dân phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” - lỗi ở đây nên hiểu không chỉ là lỗi trong công tác, mà còn là lỗi về mặt đạo lý.

Ngày 20/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 76/SL ban hành Quy chế công chức Việt Nam. Đây là văn bản chính thức đầu tiên quy định chế độ công chức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Điều 2 của bản quy chế này ghi rõ về nghĩa vụ của người công chức:

“Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những điều có hại đến thanh danh công chức, hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước” (Theo bản lưu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam trích trên Tạp chí Xưa&Nay số 91 (tháng 5-2001), tr.11). Cán bộ công chức là những người làm công ăn lương, nhưng là người làm chủ chứ không phải là người làm thuê. Mỗi người cán bộ công chức cũng là người chủ xã hội cần phát huy quyền dân chủ và năng lực sáng tạo của mình để hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Nhân dân là người có quyền lực cao nhất, nhân dân chính là người có ý kiến tối hậu về hiệu quả mọi công tác của Chính phủ, phẩm chất của mọi cán bộ công chức. Thậm chí “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” (Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 5, tr.75).

Công chức (phải) là những người có phẩm chất cách mạng cao đẹp, đạo đức trong sáng, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cho đến những dòng cuối cùng của cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhấn mạnh việc chăm lo bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp đó vì sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Nhìn lại nỗi đau đáu của Bác Hồ về vấn đề tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên, có thể rút ra một hệ luận: Trên mỗi chặng đường cách mạng, nếu sao lãng việc rèn luyện tu dưỡng tất sẽ dẫn đến những suy thoái, biến chất (cả về con người và bộ máy), từ đó dẫn đến mọi suy thoái khác. Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là từ khi đi vào kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu theo xu hướng toàn cầu hóa, chúng ta càng thấy ý nghĩa quan trọng của luận điểm trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không viết riêng những điều về công chức. Khái niệm công chức khi đó chưa tách bạch như hiện đại. Khi đó chúng ta chỉ có khái niệm cán bộ, đảng viên cũng đồng thời là những công chức, viên chức làm việc trong bộ máy phụng sự nhân dân. Nhưng có thể dễ thấy những điều cuối cùng Người căn dặn cán bộ, đảng viên không nằm ngoài những yêu cầu về phẩm chất mà những cán bộ, công chức, viên chức “nô bộc” của nhân dân cần luôn luôn tu dưỡng.

Đứng trước nhiệm vụ nặng nề xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Bác Hồ viết: “Theo ý tôi, việc phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng (chữ gạch chân trong bản chụp bút tích) làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi (Di chúc - Hồ Chí Minh (2011) Tòan tập - Sđd , tập 15, tr.616). Vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng trong điều kiện Đảng cầm quyền được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” (Di chúc - Hồ Chí Minh (2011) Tòan tập - Sđd, tập 15, tr.611 - 612).

Những điều Người căn dặn cán bộ, đảng viên cũng là những điều mỗi công chức - những “nô bộc” của nhân dân - cần tâm niệm. Với những cán bộ công chức là đảng viên, những điều này lại càng cần nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỗi “công bộc của dân” đọc lại Di chúc để rèn luyện mình tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO