Mekong - Nhật Bản thông qua công nghiệp hóa tiểu vùng

P.V| 25/08/2015 06:37

Nhật Bản và 5 quốc gia Đông Nam Á thuộc tiểu vùng sông Mekong, trong đó có Việt Nam, vừa thông qua bản kế hoạch chi tiết nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa trong tiểu vùng.

Mekong - Nhật Bản thông qua công nghiệp hóa tiểu vùng

Kyodo đưa tin ngày 24/8, Nhật Bản và 5 quốc gia Đông Nam Á giáp khu vực sông Mekong - gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan - đã thông qua bản kế hoạch chi tiết nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa tại tiểu vùng này.

Bản kế hoạch này, mang tên “Tầm nhìn phát triển công nghiệp vùng Mekong,” đã được thông qua tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nhiệp Nhật Bản (METI) Yoichi Miyazawa và những người đồng cấp Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia).

Cuộc họp trên diễn ra bên lề Hội nghị thường niên bộ trưởng thương mại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với các đối tác đối thoại, trong đó có Nhật Bản.

Được biết, bản kế hoạch đã đề ra một loạt định hướng chính sách như kết hợp hài hòa các tiêu chuẩn với giấy chứng nhận để nới lỏng lưu lượng hoạt động biên mậu, phát triển các đặc khu kinh tế dọc biên giới, phối hợp với các trường đại học và ngành công nghiệp Nhật Bản nhằm thúc đẩy lực lượng lao động lành nghề cũng như tăng cường nghiên cứu và phát triển.

Những nỗ lực quy mô toàn khu vực này sẽ được thực hiện trước năm 2020.

Đồng thời, một chương trình làm việc với những hành động và thời gian cụ thể sẽ được thiết lập trên cơ sở điều phối giữa các cơ quan như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để đưa ra bàn thảo tại Hội nghị bộ trưởng kinh tế Mekong-Nhật Bản kế tiếp vào năm 2016.

Các quốc gia Mekong được đánh giá đều có tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Khu vực này cũng đang có nhu cầu cấp thiết về phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo ổn định nguồn cung cấp năng lượng.

Cuối tháng Năm vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố, Nhật Bản sẽ viện trợ khoảng 110 tỷ USD cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á trong vòng 5 năm tới.

Hai tháng sau đó, ông cam kết sẽ cung cấp một khoản viện trợ mới trị giá khoảng 6,1 tỷ USD trong 3 năm, dưới dạng viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho 5 nước thuộc tiểu vùng Mekong để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.

Sự tham gia của Nhật Bản với các nước Mekong cũng nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực này và phần còn lại của Đông Nam Á

>Nhật cam kết viện trợ hơn 6 tỷ USD cho các nước vùng Mekong

>Dự án “Sức sống Mekong”: Khoảng 5.000 phụ nữ được hưởng lợi

>Philippines: FDI của Việt Nam tăng mạnh nhất Đông Nam Á

>Thái Lan trước sức ép trở thành quốc gia già hóa nhất khu vực Đông Nam Á

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mekong - Nhật Bản thông qua công nghiệp hóa tiểu vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO