Mái che tốt nhất cho khu vực trung tâm TP.HCM vẫn là cây xanh

Tâm An - Lê Hạnh| 26/05/2023 01:00

Theo TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn, không có mái che nào tốt hơn là cây xanh, vì thế để chỉnh trang khu trung tâm TP.HCM, cần trồng cây trên các tuyến phố, có thể tạo mái xanh trên cao với cây dây leo. Nếu lắp mái che thì phải gắn liền với công trình.

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn

* Ông đánh giá thế nào về việc thành phố yêu cầu lắp mái che để tạo bóng mát cho người đi bộ khu vực Lê Lợi, Nguyễn Huệ - Bến Bạch Đằng?

- Trong bối cảnh tuyến metro số 1 sắp khánh thành, rất cần chỉnh trang toàn bộ khu vực trung tâm thành phố, đem lại sinh khí xứng tầm cho siêu đô thị như TP.HCM.

Điểm chung của khu vực này là sau khi cải tạo không gian trung tâm, một lượng cây không nhỏ (khoảng vài trăm cây) đã bị chặt hoặc di dời. Hiện giờ khu vực này chủ yếu là không gian bê tông, không thân thiện với môi trường. Nhiều kiến trúc khu vực này xuống cấp, biển quảng cáo không có quy hoạch. Về giao thông, chưa có sự hài hòa giữa các làn xe và làn đường cho người đi bộ.

Theo tôi, cần cải thiện vi khí hậu, đó không chỉ là mái che mà là bóng mát. Bóng mát có thể từ mái che, từ cây xanh, hay các nhà cao tầng đổ bóng xuống. Tuy nhiên, cây xanh vẫn là quan trọng nhất, vừa che mưa nắng, vừa giúp tản nhiệt làm mát đô thị. Do khu vực này sẽ quy hoạch không gian ngầm nên cần tính toán cây xanh phù hợp, sao để rễ cây cắm đủ sâu, không bị đổ khi gió lốc hay mưa bão nhưng không được sâu quá ảnh hưởng đến không gian ngầm. 

Nếu làm mái che, nên tùy từng khu vực để có các kiểu mái che khác nhau. Khu vực từ khách sạn Rex đến chợ Bến Thành, hàng cây bị chặt, nên trồng lại. Khu vực Saigon Center đa số là công trình có diện tích lớn, nên tạo mái che bằng vật liệu không hấp thụ hoặc hấp thụ ít nhiệt mặt trời. Trong khi không kịp trồng lại cây, có thể tạo giàn cây bằng kim loại để trồng cây dây leo, tạo hiệu ứng bóng mát trên cao, đảm bảo nhiệt độ thấp hơn khu vực lân cận 4-5 độ C. Khu vực Lê Lợi nên chọn kiểu mái che này, bên dưới là các công trình phụ trợ như kios hay thậm chí nhà vệ sinh công cộng, có thể làm mái bằng kính vì phía trên đã có tán cây chắn nắng rồi.

Bên cạnh đó, hiện có một hồ phun nước ở giao lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi,  nhưng thật ra chúng ta cần nhiều hơn thế. Có thể tạo nhiều không gian có phun nước, kết hợp với luồng gió từ sông Sài Gòn vào, sẽ giúp làm mát cho khu trung tâm. Tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta không nên làm thêm nhiều mái che bằng tôn vì mặt trời chiếu xuống sẽ tản nhiệt lên trên, làm nóng không khí khu vực, không thân thiện cho người đi bộ. 

-3694-1684911981.jpg

* Làm mái che phải chú ý đến không gian ngầm, theo ông không gian ngầm khu vực này nên quy hoạch như thế nào?

 - Sau khi hoàn thành tuyến metro số 1, trả lại mặt bằng cho đường Lê Lợi, ta vẫn chưa biết không gian ngầm sẽ được khai thác như thế nào. Nhìn bản vẽ các công trình hiện đại đang xây dựng như Saigon Center giai đoạn 2 hay tòa tháp đôi trước chợ Bến Thành, tôi không thấy dự trù lối ngầm kết nối với không gian ngầm dưới đường, như vậy sẽ khó phát triển được không gian ngầm dưới đường Lê Lợi. Chìa khóa để thành phố Montréal (Canada) xây dựng được thành phố ngầm là chính sách khuyến khích tất cả công trình cao tầng quan trọng trong khu trung tâm đều nối vào không gian ngầm. 

Để TP.HCM làm được điều này, cần sự phối hợp giữa Sở Xây dựng, Sở  Quy hoạch Kiến trúc, Sở Kế hoạch Đầu tư. Khi cấp phép các công trình cao tầng trọng điểm tương lai tại đây, nên buộc phải định hướng cho kết nối tương lai vào không gian ngầm, có những lối mở ở dưới ngầm, để sau này kết nối với không gian ngầm. Những công trình nào đã cấp phép nhưng chưa xây dựng, thì phải bổ sung yếu tố này. 

Khi xây dựng không gian ngầm, người dân sẽ được hưởng lợi, vì thế nếu có chính sách ưu đãi thuế cho tư nhân thì sẽ khuyến khích họ làm.

* Khu vực Bến Bạch Đằng muốn tạo bóng mát phải hài hòa với khu vực Thủ Thiêm, đó có phải là thách thức với các nhà quy hoạch không, thưa ông? 

- Các công trình ven sông thường lớn, có khối đế và tháp, là cơ hội tạo mái che gắn với công trình, nhưng nên thiết kế mái che sao cho hài hòa. 

Theo tôi, khu vực này không cần làm đường ngầm ở Tôn Đức Thắng như đang đề xuất. Trong tương lai, khi khu vực Thủ Thiêm với các cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4, 5 hoàn thành thì luồng giao thông từ quận 7 sẽ đi các hướng mới này, giúp giảm mạnh lưu lượng xe qua đường Tôn Đức Thắng, như vậy chỉ cần chỉnh trang lại giao thông xe, một tuyến cho giao thông công cộng, một tuyến cho xe hơi, một tuyến cho xe gắn máy và tất nhiên, không cho dừng, đỗ tại khu vực này. Có thể làm cầu nối từ Nguyễn Huệ băng qua Bến Bạch Đằng, kết nối một điểm nhấn ngắm cảnh trên cao, cuối trục Nguyễn Huệ đối trọng với trụ sở UBND TP.HCM. Đây sẽ là công trình có ý nghĩa kết nối lịch sử 300 năm khu vực Nguyễn Huệ với khu Thủ Thiêm trong thế kỷ XXI. 

* Theo ông, nên thiết kế không gian đô thị ở khu vực Nguyễn Huệ, Lê Lợi thế nào vì đây còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa?

- Cần tổ chức không gian đa chức năng theo hướng linh hoạt vì khu vực Lê Lợi - Nguyễn  Huệ có những lúc tập trung đông người nhân một sự kiện nào đó. Tuyến đường Lê Lợi có lịch sử 300 năm, thời Pháp, đây vốn là trục văn hóa, thương mại, dịch vụ. Ngày nay, nhiều công trình hiện đại mọc lên. Vì thế, cần thiết kế tạo nên sự hài hòa, có sự giao thoa giữa không gian xưa cần bảo tồn và không gian hiện đại cần phát triển. 

* Nên phân luồng giao thông khu vực này như thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, không nhất thiết phải cấm xe cắt ngang suốt đường Nguyễn Huệ, đoạn ngã tư Ngô Đức Kế gần sông có thể cho xe đi ngang qua, đến cuối tuần thì mới cấm xe. Khu vực bùng binh ngã tư Lê Lợi và Nguyễn Huệ nên cho xe chạy qua phía Hai Bà Trưng. Cần tổ chức giao thông làm sao cho khéo, ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn mở lối cho xe công cộng, đặc biệt là xe buýt.

Đường Lê Lợi không nên làm tuyến giao thông hai bên như Nguyễn Huệ mà làm tuyến giao thông ở giữa và giảm số làn xe, mỗi chiều chỉ cần hai làn xe thôi, vì cần ưu tiên hơn cho đi bộ. Làn xe sát lề đường ưu tiên cho giao thông công cộng vì khách lên xuống. Nó sẽ là tuyến giao thông công cộng chạy tới lui giữa chợ Bến Thành và Nhà hát Thành phố và bọc quanh Nguyễn Huệ - Hàm Nghi. Làn xe thứ hai ở phía ngoài cho phép xe cá nhân (xe hơi và xe gắn máy) chạy, nhưng không cho phép dừng, đỗ, muốn dừng, đỗ phải rẽ ra những đường nhánh. Như vậy, hiện đường Lê Lợi đang có tuyến đường ở giữa và đường hai bên thì tôi nghĩ nên đóng đường hai bên để mở rộng lề đường ra. Một tuyến đường trung tâm chỉ có 4 làn xe thì nhiều tuyến phố đi bộ trung tâm đô thị trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ, cũng làm theo quy tắc này. 

* Với giao thông công cộng, theo ông nên quy hoạch thế nào?

- Hiện tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ chưa có giao thông công cộng. Và sắp tới là đường Lê Lợi thì giao thông công cộng sẽ đi như thế nào? Khi metro số 1 khánh thành, tôi hy vọng khách du lịch bước chân khỏi metro có thể lên xe điện, đi khắp các tuyến đường trung tâm quận 1. 

Nên quy hoạch giao thông công cộng nối trực tiếp từ Bến Thành qua Thủ Thiêm để người dân muốn đến bờ Đông (Thủ Thiêm) hay bờ Tây (khu trung tâm Q.1, Q.3 hiện hữu) chỉ cần đi metro hay xe buýt. 

Nhiều ý kiến cho rằng không nên cho xe cá nhân đi vào trung tâm, nhưng tôi nghĩ ngược lại, chỉ hạn chế chứ không cấm. Xe cá nhân góp phần làm tăng sinh khí cho trung tâm. Vì thế, không cần e ngại kẹt xe, chỉ cần yêu cầu xe cá nhân chạy trong khu vực Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Bến Bạch Đằng không được dừng, đỗ, trừ phi tại các tuyến nhánh nối vào đó. Nên tăng mức phí gửi xe quanh khu vực này lên 10 lần hoặc hơn, thay cho việc tốn tiền xây dựng mạng vành đai thu phí trung tâm. Người bình thường sẽ không lựa chọn phương tiện cá nhân mà chuyển sang phương tiện công cộng để đến khu vực này. Người có điều kiện đi xe cá nhân phải chấp nhận trả phí đắt hơn. Ở New York cũng vậy, kiếm chỗ đậu xe rất khó, phí gửi nhà xe khu trung tâm Manhattan có thể lên đến 20 USD mỗi giờ, trong khi đậu xe lề đường chỉ 25 cent một giờ. Chúng ta có thể học hỏi việc giảm xe cá nhân bằng phí như vậy. 

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mái che tốt nhất cho khu vực trung tâm TP.HCM vẫn là cây xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO