Kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng

HẢI VÂN| 01/08/2017 01:14

Chủ trì Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp rất quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng

Chủ trì Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 năm 2017 do Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam tổ chức ngày 31/7 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp rất quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.  

Đọc E-paper

Cho nên, những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước sẽ tạo điều kiện. Nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết Trung ương 5) cũng đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, nhấn mạnh việc xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến, tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng hướng.

Tại Diễn đàn VPSF lần thứ 2 này, doanh nghiệp tư nhân quan tâm ba nhóm ngành kinh tế mũi nhọn đã được Chính phủ xác định, gồm kinh tế số, du lịch và nông nghiệp. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT cho rằng, doanh nghiệp khu vực tư nhân sẵn sàng thảo luận và đối thoại về những vấn đề thiết thực trong sản xuất, kinh doanh để Nghị quyết Trung ương 5 đi vào cuộc sống.

Từ tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, một phần những tồn tại, vướng mắc của nền kinh tế để được nhận diện và có hướng xử lý. Môi trường đầu tư kinh doanh, niềm tin doanh nghiệp có xu hướng cải thiện rõ nét. Thế nhưng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, vẫn còn tình trạng phân biệt các thành phần kinh tế khi tham gia các chương trình của Nhà nước, nhiều công trình hạn chế doanh nghiệp tư nhân, mà chương trình tin học hóa cho khu vực công là một ví dụ.

Tại VPSF lần thứ 2, Thủ tướng chỉ đạo:
- Công tác quản lý của các bộ, ban, ngành trung ương liên quan phải đi kịp sự phát triển của nền kinh tế.
- Với các địa phương, tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu giẫm đạp lên nhau.
- Ngành ngân hàng phải có cơ chế cho vay linh hoạt.

Ông Nguyễn Trung Chính - Trưởng nhóm Kinh tế số, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC nói về sự không bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp khi tiếp cận vốn và về thuế, phí. Việc phải đóng 2% phí viễn thông công ích dựa trên doanh thu là bất hợp lý, trở thành vấn đề rất lớn đối với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp mới thành lập. Doanh nghiệp có thể bị triệt tiêu năng lực cạnh tranh, thậm chí "chết" bởi các khoản phí này. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Nghị định 102/2009 về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước không còn phù hợp và có quá nhiều bất cập. Ông Nguyễn Trung Chính đề nghị xây dựng một nghị định mới về vấn đề này.

Chính phủ và doanh nghiệp đang cùng nhìn về một hướng. Nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn mong Chính phủ có chương trình hành động cụ thể đối với doanh nghiệp tư nhân. Thủ tướng cho biết, Chính phủ vẫn nhất quán với mục tiêu đã đặt ra là xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. Doanh nghiệp tư nhân phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50 - 60% GDP.

"Kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế đất nước" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. Theo Thủ tướng, mục tiêu làm cho kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực hành động của các tác nhân liên quan. Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi.

>>Tập đoàn kinh tế tư nhân Việt học gì từ chaebol Hàn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO