“Khởi động” vấn đề nóng: lãi suất ngân hàng

M.MIÊN| 06/05/2010 06:09

Đó là một trong những nội dung tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng ngày 6/5.

“Khởi động” vấn đề nóng:  lãi suất ngân hàng

Khai mạc vào buổi sáng ngày 6/5 và dự kiến sẽ bế mạc sau 1 tuần lễ làm việc, Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tập trung xem xét và cho ý kiến về các nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ VII, QH Khóa XII sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch Quốc hội

Bên cạnh đó, UBTVQH cho ý kiến về bản Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2009, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2010; dự thảo Báo cáo kết quả giám sát Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ sau Kỳ họp thứ Sáu đến Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII; việc sửa đổi Nghị quyết 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư; nghe Chính phủ báo cáo về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Một số dự luật sẽ được UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý như dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự án Luật Tố tụng hành chính; dự án Luật biển Việt Nam; dự án Luật Thủ đô; dự án Luật Đầu tư công và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội cũng như việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII và năm 2010.

Đáng chú ý, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) được đưa ra xem xét góp ý ngay trong phiên khai mạc đã được mổ xẻ khá kỹ lưỡng gồm 15 vấn đề cụ thể, đó là vấn đề lãi suất, vấn đề thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, vấn đề dự trữ ngoại hối quốc gia, vấn đề quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi cũng như tính minh bạch và trách nhiệm giải trình chính sách tiền tệ quốc gia…

Bản dự thảo đề cập nhiều ý kiến phản ứng việc không quy định lãi suất cơ bản trong và cho rằng đây là thời điểm cần tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất đảm bảo quản lý Nhà nước đối với thị trường tiền tệ.

Về phía Ban soạn thảo, đã lý giải việc “không nên áp dụng thống nhất một loại lãi suất cho cả hoạt động ngân hàng và các giao dịch dân sự khác” bởi “có sự khác biệt” giữa hai hình thức hoạt động này. Cho rằng tất cả quan hệ cho vay của tổ chức tín dụng hay của cá nhân đều là quan hệ dân sự.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch Quốc hội đã bày tỏ chính kiến về quy định “Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất làm cơ sở áp dụng cho các giao dịch theo Bộ Luật Dân sự, trừ hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng” là không thích hợp, bởi lẽ dự thảo Luật phải tuân thủ quy định của Hiến pháp: “Quốc hội quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia”, chỉ có Quốc hội mới được quyền quyết định thực hiện các chính sách tiền tệ quốc gia.

Theo đó, Quốc hội cần thực hiện trách nhiệm quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm và giám sát việc thực hiện Chính sách tiền tệ quốc gia. Thủ tướng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm quyết định công cụ và biện pháp thực hiện mục tiêu Chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ. Dự án Luật các tổ chức tín dụng cũng đã được UBTVQH nghe và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý trong cùng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Khởi động” vấn đề nóng: lãi suất ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO