Khi Nhà nước khởi động lại thị trường

04/07/2013 00:28

Với việc hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn sáu tháng trở xuống về 7%/năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức xác nhận đáy của lãi suất hiện nay. Lãi suất cũng phát đi tín hiệu các công cụ điều hành tiền tệ đã được sử dụng gần hết để phục vụ cho mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Bây giờ đến lúc chính sách tài khóa mà cụ thể là đầu tư công phải được phát huy để có thể đạt tăng trưởng 5,5% cho năm 2013.

Khi Nhà nước khởi động lại thị trường

Với việc hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn sáu tháng trở xuống về 7%/năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức xác nhận đáy của lãi suất hiện nay. Lãi suất cũng phát đi tín hiệu các công cụ điều hành tiền tệ đã được sử dụng gần hết để phục vụ cho mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Bây giờ đến lúc chính sách tài khóa mà cụ thể là đầu tư công phải được phát huy để có thể đạt tăng trưởng 5,5% cho năm 2013.

Mắc kẹt tín dụng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến tuần thứ ba của tháng 6/2013, tín dụng mới tăng 3,31% so với cuối năm ngoái. NHNN đã đưa ra một lượng tiền, có thể nói, là nhiều hơn cần thiết nhằm vừa tạo điều kiện, vừa thúc ép các ngân hàng phát triển tín dụng.

Cảnh khởi công một tuyến đường cao tốc. Trong tình hình hiện nay, đầu tư công đang được kỳ vọng giúp kích cầu, giải phóng hàng tồn.

Lãi suất qua đêm liên ngân hàng xuống thấp chưa từng thấy. Các ngân hàng thừa vốn đến mức phải liên tục giảm lãi suất tiết kiệm. Nợ xấu được tái cơ cấu theo Văn bản 780 đã lên tới gần 285.000 tỉ đồng.

Một cách hình ảnh, các nhánh ách tắc dẫn tới con kênh lớn tín dụng đã được khơi thông, nhưng tín dụng vẫn chỉ là dòng nước lặng lờ trôi, không sóng, không cuộn, không gấp gáp bởi doanh nghiệp không thể hấp thụ tiền vay và người đi vay không biết vay để làm gì khi hàng tồn kho còn đó.

Eximbank, ngân hàng từ trước đến nay vẫn được xem là một trong những tổ chức dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng của khối cổ phần. Vậy mà từ đầu năm đến nay tín dụng chỉ dương ở mức 0,9%, thấp nhất kể từ năm 2000.

Tổng giám đốc một ngân hàng khác có tăng trưởng tín dụng nhỉnh hơn, khẳng định: “Muốn đẩy được tín dụng chỉ còn cách hạ chuẩn cho vay. Làm thế chẳng khác nào chất cao thêm nợ xấu và vòng xoáy nợ xấu - tín dụng - nợ xấu sẽ không thể nào giãn ra được”.

Tiền đâu tăng đầu tư công?

Nút thắt tín dụng sẽ phải mở bằng cách tháo gỡ một nút cổ chai khác là kích cầu để giải phóng hàng tồn. Đầu tư công giống như miếng mồi hấp dẫn và khi cần câu thả xuống, nó có thể kích thích khối hàng tồn kho chuyển động. Tuy nhiên, với mức hụt thu ngân sách vừa được Bộ Tài chính công bố có thể lên đến 65.000 tỉ đồng, tiền đâu để kích cầu?

NHNN cho biết đã đề xuất phương án phát hành thêm 100.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ cho mở rộng đầu tư công. Hiện các ngân hàng đang thừa tiền.

Việc phát hành thêm này sẽ giúp tiền dịch chuyển, không bị ứ trong kho ngân hàng và nhất là có lợi cho ngân sách khi lợi tức trái phiếu đang ở mức 6-6,5%/năm tùy kỳ hạn. Những dự án, công trình được tài trợ bằng nguồn trái phiếu giá thành thấp sẽ giúp hạ giá sản phẩm đầu ra, cải thiện hiệu quả đầu tư.

Trước mắt trái phiếu phát hành mới giải quyết ngay được khối nợ đọng xây dựng cơ bản 95.000 tỉ đồng. Trong lĩnh vực xây dựng, không ít doanh nghiệp, nhà thầu sẽ được thanh toán nợ đọng và họ có khả năng bắt đầu một vòng quay kinh doanh mới.

Ngoài ra, nguồn hụt thu ngân sách có thể bù đắp bằng cách tiếp tục bán bớt vốn nhà nước ở các công ty Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Việc định giá doanh nghiệp ở những đơn vị chưa IPO sẽ mất thời gian, chưa kể xử lý công nợ trong khi cân đối ngân sách là việc không thể chậm trễ.

Nhà nước đang sở hữu những doanh nghiệp niêm yết, giá trị vốn hóa được thị trường xác định hàng ngày, tại sao không đấu giá công khai, bán bớt vốn ở những công ty đó?

Thậm chí Nhà nước có thể nới room (tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một doanh nghiệp) đơn vị niêm yết từ 49% lên trên 51%, hoặc 60-65% nhằm thu hút các tổ chức chiến lược nước ngoài nếu muốn mở rộng đối tượng người mua.

Thí dụ nếu bán 10% vốn nhà nước ở Vinamilk, Nhà nước có thể thu được nửa tỉ đô la Mỹ. Thậm chí Nhà nước có thể có được hơn 1 tỉ đô la Mỹ tương đương 22.000 tỉ đồng trong trường hợp thoái 20% vốn ở công ty này. Nhà nước có cần độc quyền về sữa không? Chắn chắn là không.

Với Tổng công ty Khí (GAS), nếu bán đấu giá 10% vốn nhà nước, giảm sở hữu quốc doanh từ 96,8% xuống 88,8%, ngân sách có thể có 11.000 tỉ đồng. Con số này sẽ tăng gấp đôi khi đấu giá 20%. Chỉ cần bán bớt vốn ở Vinamilk và GAS, Nhà nước đã có 44.000 tỉ đồng, tức hai phần ba mức hụt thu ngân sách.

Một số lĩnh vực như dược phẩm, hàng tiêu dùng, dịch vụ dầu khí, logistics, cảng biển, cao su thiên nhiên... Nhà nước cũng không nhất thiết phải độc quyền.

Hầu hết các công ty cao su đang được Nhà nước sở hữu trên 51%. Không ít doanh nghiệp sản xuất săm lốp, đệm mút cao su hay các thiết bị hàng tiêu dùng sử dụng nguyên liệu cao su sẵn sàng tham gia đấu giá, trở thành cổ đông để có nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào ổn định. Đó không phải là một sự điều tiết cung cầu hợp lý ngay tại thị trường nội địa sao?

Điều gì đang cản trở việc cải thiện nguồn thu ngân sách từ thoái vốn nhà nước để doanh nghiệp có trình độ quản trị cao hơn? Hơn nữa bán bớt vốn nhà nước là huy động nguồn lực nội - ngoại, nguồn lực trong dân mà không cần phải in thêm tiền, bơm thêm tiền nên không cần phải lo lắng về lạm phát.

Phải chăng đó là tư duy độc quyền, là lối suy nghĩ Nhà nước phải hiện diện trong mọi lĩnh vực kinh tế kể cả ngành nghề không trọng yếu, trong khi hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp quốc doanh đang dần bị lấn lướt?

Phải công bằng thừa nhận rằng thời gian qua chính sách và điều hành tiền tệ đã đi trước chính sách tài khóa. Các chính sách miễn giảm thuế chưa mang lại hiệu quả tức thì và chưa có đủ độ nặng cần thiết để doanh nghiệp xóa đi tâm trạng chờ đợi, quan sát. Trong khi đó, lãi suất đã giảm, tỷ giá khá ổn định và lạm phát đang ở trong tầm kiểm soát.

Người dân và khối dân doanh vẫn chưa xuống tiền đầu tư làm ăn. Bất động sản đóng băng, chứng khoán phập phù, một bộ phận người dân vẫn mua vàng bất chấp giá thế giới tụt dốc vì chưa tin tưởng tiền đồng, thì Nhà nước phải đầu tư trước tiên để dẫn dắt và khởi động lại thị trường.

Gia tăng đầu tư công là hành động thiết thực cho thấy tăng trưởng không phải là mục tiêu thứ yếu trong đòi hỏi bức thiết tái cơ cấu nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi Nhà nước khởi động lại thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO