Hết thời hộ kinh doanh?

05/04/2019 02:40

Ngày 4/4, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Toạ đàm nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật doanh nghiệp.

Hết thời hộ kinh doanh?

Hiện nay, nước ta có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh, nên chuyển đổi các hộ kinh doanh thành cá nhân kinh doanh hay chuyển thành doanh nghiệp - vấn đề đã được các chuyên gia thảo luận với nhiều ý kiến trái chiều. Tại TP. HCM chỉ có hơn 3.000/250.000  hộ kinh doanh “ chấp nhận” lên doanh nghiệp. Đó là một thực tế để các chuyên gia cân nhắc xem loại hình kinh doanh này sẽ cần được quy định ra sao.

Hộ kinh doanh đã hết ”vai trò lịch sử”?

Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên VIAC: Không còn lí do để cho tồn tại hộ kinh doanh. Ông khẳng định, cần thừa nhận nhóm 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp. 

thanh-lap-ho-kinh-doanh-ca-the-5966-1554

Hiện vẫn đang có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký.

Theo ông, hộ kinh doanh là giải pháp cần thiết và tất yếu thay thế cho thành phần kinh tế tư bản tư nhân, vì trong quá khứ, pháp luật không khuyến khích, chậm chí tìm mọi cách ngăn cản kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, từ năm 2000, đặc biệt là từ năm 2006 và 2014 trở đi, mọi điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng đã được xoá bỏ. Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty gần như bằng không và không khác gì với việc thành lập hộ kinh doanh, đặc biệt là khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014 cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân.

“Vì vậy hộ kinh doanh đã thật sự hết lý do, vai trò lịch sử. Còn sự tồn tại và phát triển như là doanh nghiệp mà không được thừa nhận là doanh nghiệp chỉ là do sự khiếm khuyết của pháp luật”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Đức sở dĩ hộ kinh doanh là lựa chọn của nhiều người vì 3 Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác vẫn tiếp tục quy định về hộ kinh doanh một cách quá sơ sài, dễ dãi, đơn giản.

“Việc một người có nhiều công ty là chuyện bình thường, nhưng một người đồng thời duy trì 2 chủ thể kinh doanh là công ty và hộ kinh doanh là điều cần phải suy nghĩ”, ông Đức cũng khẳng định: “việc hộ kinh doanh còn sự tồn tại và phát triển như là doanh nghiệp mà không được thừa nhận là doanh nghiệp chỉ là do sự khiếm khuyết của pháp luật”.

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế DNNVV, nói về khái niệm hộ kinh doanh, ngành thuế lâu nay rất “vất vả” khi phải giải thích khái niệm “hộ kinh doanh” trong các văn bản pháp luật về thuế. Với thông lệ quốc tế, chỉ có cá nhân kinh doanh mà không có hộ kinh doanh. Chính điều này đã  khiến cho các văn bản pháp luật về thuế phải “đeo” thêm từ “hộ, cá nhân kinh doanh”. Nếu bỏ từ “hộ” ra khỏi luật thuế thì sẽ bị “chất vấn” trong Luật Doanh nghiệp có đối tượng là hộ kinh doanh tại sao luật Thuế không có. Nhưng thực từ nhiều năm nay khi tiếp cận trong quản lý thuế thì vẫn “ngầm hiểu” là cá nhân kinh doanh.

“Chúng tôi tiếp cận với cá nhân, chủ thể chịu trách nhiệm toàn bộ về tài sản, nợ…cho nên cũng nên sửa hộ kinh doanh, vì tên này cũng khá cũ, từ “hộ” thường gắn với hộ gia đình. Tuy nhiên, đến thời điểm này cá nhân kinh doanh không chỉ gắn với quy mô gia đình mà còn liên quan đến thương mại điện tử”, bà Lan nói.

Vẫn theo bà Lan, các quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay đối với hộ kinh doanh có những điều khoản không có chế tài xử lý nhưng vẫn quy định trong luật, khiến ngành thuế phải “đuổi” theo. Đơn cử, hộ kinh doanh không được thành lập ở nhiều nơi, hộ kinh doanh không được phép nghỉ quá 12 tháng, hộ kinh doanh không được phép có trên 10 lao động…

Đưa ra quan điểm chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, bà Lan cho rằng, nên tôn trọng sự đa dạng trong các thành phần kinh tế và cũng theo thông lệ quốc tế. Do đó vẫn nên để cá nhân kinh doanh, về phía ngành thuế cũng đã có những sửa đổi từ năm 2015 đến nay theo định hướng phân loại hộ lớn hộ nhỏ, và cố gắng “hạ doanh nghiệp siêu nhỏ xuống, nâng hộ kinh doanh lớn lên”.

Bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp

Dù chung nhau bản chất nhưng quy định pháp luật giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ rất khác nhau. Chẳng hạn như hộ kinh doanh không giới hạn số thành viên còn doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ tối đa 50 thành viên; hộ kinh doanh chỉ được đăng kí kinh doanh tại 1 địa điểm trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ không giới hạn.

Về lệ phí môn bài, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm được miễn lệ phí; chỉ nộp 300 nghìn - 1 triệu đồng tùy doanh thu, trong khi đó doanh nghiệp phải nộp 1 - 3 triệu đồng tùy theo vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư. Thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh chỉ từ 1 - 2 - 5% doanh thu, trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ chịu thuế suất 0 - 5 - 10% (có được khấu trừ thuế). Doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp suất phổ thông 20% trong khi hộ kinh doanh chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân từ 0,5 - 2 - 5% doanh thu. Hộ kinh doanh cũng không cần báo cáo tài chính, hóa đơn giá trị gia tăng như doanh nghiệp siêu nhỏ...

pho-vang-ma-lg-2057-1554442794.jpg

Những cửa hàng như thế này hầu hết đều đăng ký hộ kinh doanh nhưng có thể có doanh thu như một doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc duy trì các quy định khác nhau như trên đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp.

"Một doanh nghiệp có doanh thu chỉ vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng/năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách hoá đơn chứng từ kế toán doanh nghiệp. Nhưng một hộ kinh doanh bán buôn, doanh thu có thể tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng thì chỉ khoán thuế và chế độ kế toán chứng từ hoá đơn kiểu như muốn vẽ gì thì vẽ".

Ngoài ra, nếu hộ kinh doanh là 2 vợ chồng hoặc cả gia đình làm chủ thì phải chịu trách nhiệm vô hạn về toàn bộ tài sản của cả 2 vợ chồng hoặc cả gia đình.

“Rủi ro là quá cao trong kinh doanh, có thể mất toàn bộ tài sản của cả 2 vợ chồng và cả gia đình, thay vì thì chỉ mất một phần tài sản (đối với công ty) và toàn bộ tài sản của 1 người (đối với doanh nghiệp tư nhân)”, ông Đức phân tích.

Không được bỏ quên đáy kim tự tháp

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu vấn đề với đại diện các cơ quan bộ, ngành tại cuộc Tọa đàm: hiện nay hộ kinh doanh ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mực, khu vực này có tới 30% GDP cần được giải phóng để “cất cánh”. Đây cũng chính là khu vực nền tảng cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

“Nếu ví nền kinh tế Việt Nam như hình kim tự tháp, thì khu vực hộ kinh doanh là phần đáy, phần này sẽ quyết định sự vững chãi của nền kinh tế. Trong những năm qua, sự phát triển của hộ kinh doanh rất bền bỉ, 30% GDP tại khu vực kinh tế này gắn liền với nông nghiệp, nông thôn – là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam. Do đó chúng ta không được bỏ quên thành phần kinh tế quan trọng này”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hết thời hộ kinh doanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO