Giãn cách xã hội nhưng vẫn giữ nhịp độ sản xuất

Nguyễn Loan| 16/04/2020 00:47

Phòng chống dịch Covid-19 quyết liệt, hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo nhịp độ sản xuất, duy trì phát triển kinh tế là yêu cầu của lãnh đạo UBND TP.HCM.

Giãn cách xã hội nhưng vẫn giữ nhịp độ sản xuất

Mới đây, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác ứng phó, phòng chống dịch Covid-19 tại công trường xây dựng khách sạn Hilton Sài Gòn (quận 1) và KCX Tân Thuận (quận 7). 

Đại diện KCX Tân Thuận cho biết, KCX hiện có 168 doanh nghiệp (DN). Hiện KCX Tân Thuận đã áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp chống dịch mà Bộ Y tế, Sở Y tế và Ban Chỉ đạo đề ra. 

Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu KCX Tân Thuận thực hiện nghiêm hơn nữa các biện pháp phòng và chống dịch Covid-19, như việc giãn cách khi ăn trưa, làm việc; phải hạn chế tối đa tiếp xúc gần, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác chống dịch.

Tại công trường xây dựng khách sạn Hilton Sài Gòn, đoàn kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải quán triệt các biện pháp phòng chống dịch để cùng chung tay với Thành phố đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Sau buổi kiểm tra, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã họp Ban Chỉ đạo. Tại cuộc họp, ông đã yêu cầu:

Các doanh nghiệp (DN) trong các KCX, KCN, DN xây dựng trên địa bàn phải giữ nghiêm kỷ luật cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, thực hiện đúng quy định phòng chống dịch của ngành y tế và chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các quận, huyện đẩy mạnh công tác phối hợp phòng chống dịch để bảo vệ sản xuất.

Liên đoàn Lao động TP.HCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Công đoàn của các KCX, KCN đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch tới từng công nhân, để mỗi công nhân đều hiểu và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.

Các KCX, KCN, khu công nghệ cao triển khai ngay việc ký cam kết với DN thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của ngành y tế và Ban Chỉ đạo về phòng chống dịch Covid-19. 

Các DN trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giãn cách xã hội tốt nhưng vẫn đảm bảo sản xuất, kinh doanh.

Để thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ đã quy định dừng hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người với người tại nơi công cộng; tạm đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh, dịch vụ, trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; tạm dừng hoặc tổ chức lại giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa. Từ ngày 29/3/2020, Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động xe hợp đồng trên 9 chỗ và xe du lịch trên 9 chỗ có điểm đi, đến TP.HCM từ ngày 30/3 đến 15/4/2020.

Tuy nhiên, đối với các KCX, KCN, đa số hoạt động theo dây chuyền sản xuất cố định, khó đáp ứng yêu cầu không quá 20 người trong một phòng, yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người với người, đồng thời việc đưa đón công nhân làm việc tại các KCX, KCN chủ yếu sử dụng xe buýt, đưa đón qua lại giữa các địa phương giáp ranh như Long An, Tiền Giang, Bình Dương, do đó việc đảm bảo phòng dịch là một vấn đề lớn.

Trước đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ DN hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ; DN nhỏ và vừa; DN ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM trước tình hình dịch bệnh Covid-19. 

Hỗ trợ DN duy trì sản xuất trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 quyết liệt, chính là cách thể hiện đồng hành cùng DN. 

Theo báo cáo của 24 quận, huyện tại TP.HCM, đến ngày 14/4 đã có 6.292 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiến hành tự đánh giá theo Bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona tại doanh nghiệp, trong đó có 3.727 doanh nghiệp (59,2%) tự đánh giá có mức rất ít rủi ro lây nhiễm có chỉ số dưới 10%; 2.483 doanh nghiệp (39,5%) tự đánh giá có mức rủi ro lây nhiễm thấp có chỉ số từ 10-30%; 77 doanh nghiệp (1,2%) tự đánh giá có mức rủi ro lây nhiễm trung bình có chỉ số từ 30-50%; 5 doanh nghiệp (0,1%) tự đánh giá có mức rủi ro lây nhiễm cao có chỉ số từ 50-80%.

Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện và y tế địa phương tổ chức kiểm tra, thẩm định của chính quyền và y tế địa phương đối với 1.687 doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có 758 doanh nghiệp (44,9%) có mức rất ít rủi ro lây nhiễm có chỉ số dưới 10%; 895 doanh nghiệp (53,1%) có mức rủi ro lây nhiễm thấp có chỉ số từ 10-30%; 33 doanh nghiệp (2%) có mức rủi ro lây nhiễm trung bình có chỉ số từ 30-50%.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP kiểm tra, giám sát đối với 22 doanh nghiệp có trên 3.000 lao động, trong đó có 10 doanh nghiệp (45,5%) có mức rủi ro lây nhiễm thấp với chỉ số từ 10-30%, được hoạt động, phải kiểm tra định kỳ để khắc phục hạn chế; 11 doanh nghiệp (50%) có mức rủi ro lây nhiễm trung bình có chỉ số 30-50%, đã có kế hoạch hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức lại khâu sản xuất để đảm bảo phòng chống dịch bệnh trong sản xuất lâu dài; 1 doanh nghiệp (4,5%) có mức rủi ro lây nhiễm rất cao có chỉ số 80-100%, đã được yêu cầu tạm ngưng hoạt động trong ngày 14-15/4.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giãn cách xã hội nhưng vẫn giữ nhịp độ sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO