FDI vào Việt Nam 5 tháng đầu năm: Tâm điểm giải ngân

27/05/2010 07:57

Ngày 26/5, Cục Đầu tư nước ngoài đã chính thức công bố báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài (FDI) 5 tháng đầu năm 2010.

FDI vào Việt Nam 5 tháng đầu năm: Tâm điểm giải ngân

Ngày 26/5, Cục Đầu tư nước ngoài đã chính thức công bố báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài (FDI) 5 tháng đầu năm 2010.

Giải ngân tăng tốc

Xu hướng phục hồi tiếp tục thể hiện trong các con số về thu hút, giải ngân vốn FDI và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp.

Đáng chú ý, giải ngân vốn FDI trong tháng qua đã tăng thêm 1,1 tỷ USD, một mức khá cao so với bình quân chung của nhiều năm trước, đưa con số này của 5 tháng đầu năm lên mức 4,5 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Bình quân mỗi tháng từ đầu năm đến nay, giải ngân vốn FDI của Việt Nam đạt khoảng 900 triệu USD.

Kết quả thu hút đầu tư vẫn duy trì sự khởi sắc với nhiều vốn cấp mới được các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư vào Việt Nam. Trong tháng qua, đã có 97 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 1,5 tỷ USD. Tính chung 5 tháng qua, đã có 360 dự án đăng ký cấp mới với tổng vốn cam kết đầu tư đạt trên 7,1 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ 2009.

Tuy nhiên, “số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư tăng thêm trong 5 tháng đầu năm 2010 thấp hơn nhiều lần so với cùng kỳ”, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Trong tháng qua, chỉ có 15 dự án đăng ký tăng thêm vốn với tổng giá trị cam kết đầu tư đạt 78 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm, đã có 107 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 403 triệu USD, bằng 8,6% so với cùng kỳ năm 2009.

Do số vốn tăng thêm quá “khiêm tốn” đã kéo số vốn FDI đăng ký trong 5 tháng đầu năm đi xuống. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 5 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 7,5 tỷ USD, chỉ bằng 77% so với cùng kỳ 2009.

Như vậy, kết quả giải ngân vốn FDI đang đạt tỷ lệ khá cao so với vốn đăng ký (4,5 tỷ so với 7,5 tỷ USD), thể hiện việc các dự án đăng ký đầu tư trước đó đang tăng tốc giải ngân tại thời điểm này.

Bất động sản lùi xuống vị trí thứ 3

Xét theo lĩnh vực, trong 5 tháng qua, công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với 127 dự án đầu tư, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 2,55 tỷ USD, chiếm 33,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng.

Tuy chỉ có 3 dự án đầu tư nhưng lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước điều hòa đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký khá cao 2,2 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng đầu năm.

Kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 1,283 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm, chiếm 17% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng đầu năm.Trong đó, cấp mới chiếm tỷ lệ lớn với 10 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 1,281 tỷ USD.

Trong số các dự án cấp mới trong 5 tháng năm 2010, đáng chú ý có các dự án lớn được cấp phép là: dự án Công ty TNHH điện lực AES-TKV Mông Dương tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư là 2,1 tỷ USD; Công ty sắt xốp Kobelco Việt Nam tại Nghệ An với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD; Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea của Hoa Kỳ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 902,5 triệu USD; Công ty TNHH Posco SS - Vina cũng tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 620 triệu USD…

Hàn Quốc vươn lên

Xét theo đối tác đầu tư, trong 5 tháng đã có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Thứ tự các nhà đầu tư hàng đầu đã có sự thay đổi so với trước đây một tháng.

Hà Lan vẫn duy trì là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,2 tỷ USD, chiếm 29,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã soán ngôi của Nhật Bản và Hoa Kỳ để lên vị trí thứ hai, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,5 tỷ USD, chiếm 20% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký là 1,1 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Thu hút được nhiều dự án lớn, Bà Rịa - Vũng Tàu đứng đầu trong các địa phương thu hút nhiều vốn FDI trong 5 tháng đầu năm 2010, với 2,16 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Tiếp theo là Quảng Ninh, Nghệ An, Tp.HCM với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 2,14 tỷ USD, 567 triệu USD và 340 triệu USD.

Xuất nhập khẩu khu vực FDI tăng mạnh

Sản xuất của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng cho thấy sự tăng trưởng trở lại đầy ấn tượng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Xuất khẩu của khu vực FDI kể cả dầu thô ước đạt 13,8 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ và chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (so với 25,83 tỷ USD). Nếu không kể dầu thô, khu vực này ước đạt kim ngạch xuất khẩu 11,7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 39,1% so với cùng kỳ.

“Giá trị kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI cũng gia tăng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm, do nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi”, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Nhập khẩu của khu vực FDI ước đạt 13 tỷ USD trong 5 tháng qua, tăng 50,5% so với cùng kỳ, chiếm gần 42% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước (so với 31,2 tỷ USD).

Như vậy, khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu 800 triệu USD trong 5 tháng đầu năm. Nếu không kể dầu thô, khối này nhập siêu 1,3 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FDI vào Việt Nam 5 tháng đầu năm: Tâm điểm giải ngân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO