Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030: Dưới góc nhìn của WB

Nguyễn Hoàng| 26/11/2020 08:47

Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đang được Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến để hoàn thiện, trước khi trình Chính phủ.

Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 (gọi tắt là Dự thảo Chiến lược) hướng tới việc đưa Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập ở mức trung bình cao vào năm 2030; tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm, GDP bình quân đầu người 7.500 USD vào năm 2030; tăng năng suất lao động đạt trên 6,5%/năm; nợ công không quá 60% GDP, tổng mức đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP. 

Dự thảo Chiến lược xác định 5 mục tiêu về thể chế thị trường, nguồn nhân lực lành nghề, áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển văn hóa - xã hội và cơ sở hạ tầng hiện đại cho 10 năm tới, nhưng theo bà Stefanie Stallmeister - Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, vẫn còn "một số hạn chế", như không có hướng dẫn đầy đủ để xây dựng những chính sách cần thực hiện. WB đề nghị "xem xét lại "mục tiêu về GDP của nền kinh tế số vì không dễ đo lường đóng góp của lĩnh vực này vào tổng GDP. 

gap-go-8197-1606373861.jpg

Dự thảo Chiến lược đưa ra danh sách các lĩnh vực cải cách quan trọng, với mục tiêu được mô tả ngắn gọn. WB đề xuất bổ sung thêm hai mục tiêu chiến lược, đó là tăng trưởng bao trùm và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, trong nhóm 10 nhiệm vụ và giải pháp, WB khuyến nghị tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường, giải quyết tốt hơn quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội. 

Theo WB, Dự thảo Chiến lược cần nhấn mạnh sự cần thiết phải rà soát và đánh giá các quy định pháp lý hiện hành để đảm bảo không còn chồng chéo và tạo ra những tắc nghẽn đối với doanh nghiệp và người dân. Nâng cao trách nhiệm giải trình, không chỉ với Chính phủ, mà còn đối với người dân. Việt Nam đang chú trọng tạo ra "sân chơi" bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân, cũng như sử dụng các lực lượng thị trường để phân bổ nguồn lực, nhưng cần tăng cường quản trị và nâng cao tính minh bạch để giám sát và thực thi hiệu quả các chính sách quan trọng này. 

Chính phủ có thể xem xét hợp nhất hai nhiệm vụ số 1 và số 10 của chiến lược này do có sự trùng lắp trong các định hướng cải cách. Với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, nhiệm vụ 10 hướng tới xây dựng nền hành chính nhà nước hiệu lực, nhạy bén, trong sạch, công khai, minh bạch và hiệu quả hơn, đúng như đính hướng đề ra trong nhiệm vụ 1. WB đồng tình với Chính phủ về tầm quan trọng của việc tăng cường chất lượng, tính chuyên nghiệp của cơ quan hành chính nhà nước, vì nó sẽ quyết định không chỉ chất lượng các chính sách của Chính phủ mà còn cả việc thực hiện chính sách. 

Theo WB, Dự thảo Chiến lược chưa có chỉ số nào cho mục tiêu chính là thể chế thị trường và hiệu quả thực hiện các chính sách của Chính phủ không đồng đều trong những năm gần đây, thậm chí tương đối chậm trong một số lĩnh vực như đầu tư công, giảm ô nhiễm không khí và khả năng chống chịu với thiên tai. Các bài học từ việc quản lý cuộc khủng hoảng Covid-19 theo cách phi truyền thống cần được nhấn mạnh hơn trong dự thảo Chiến lược Phát triển. 

Tính cấp thiết phải thích ứng với môi trường và các cú sốc bên ngoài, như dịch Covid-19, được Dự thảo Chiến lược nêu rõ, nhưng cần phân tích chi tiết hơn trong bối cảnh mới, đặc biệt là việc xác định thể chế của Việt Nam trong "trạng thái bình thường mới" có khả năng xuất hiện trong thời gian tới. Hai bài học chính là sử dụng thông tin minh bạch và kịp thời (bao gồm cả thông qua các nền tảng và kỹ thuật số) và điều phối chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan trung ương, giữa chính quyền trung ương và cấp tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030: Dưới góc nhìn của WB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO