Dọn chỗ cho hàng Trung Quốc?

KHÁNH VÂN| 17/07/2009 09:52

Những chợ đêm ở Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc khi được mở đều nhắm tới mục đích giới thiệu sản vật địa phương cho khách du lịch mua sắm.

Dọn chỗ cho hàng Trung Quốc?

Những chợ đêm ở Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc (Kiên Giang) khi được mở đều nhắm tới mục đích giới thiệu sản vật địa phương cho khách du lịch mua sắm. Thế nhưng, hiện giờ hầu như những chợ này đã trở thành nơi tiêu thụ hàng Trung Quốc.

Hàng Việt không ra chợ vì sợ mất tiếng

Chợ đêm Đồng Xuân (Hà Nội) được hình thành từ năm 2003 với ý tưởng ban đầu là giới thiệu những sản phẩm làng nghề điển hình của Hà Nội như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ... Nhưng chỉ sau 2 - 3 năm hoạt động, người ta đã thấy các cơ sở làng nghề rút khỏi chợ đêm này bởi hai lý do: thứ nhất, họ không chịu nổi cảnh lộn xộn ở chợ khi những gian bán hàng xôn, hàng kém chất lượng chen vào làm mất giá trị hình ảnh gian hàng làng nghề; thứ hai, mục đích mở chợ để giới thiệu hàng VN đến với du khách không thực hiện được khi hàng Trung Quốc bày bán la liệt, từ quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện thời trang đến hàng thủ công mỹ nghệ.

Chợ đêm Bến Thành

Chủ các cơ sở sản xuất đồ gốm ở làng Bát Tràng tỏ vẻ ngao ngán khi nghe hỏi đến chợ đêm Đồng Xuân. Họ nói, lúc đầu mọi người cũng háo hức đăng ký vào bán ở chợ này, mong giới thiệu rộng rãi sản phẩm với du khách nước ngoài. Gốm Bát Tràng là “hàng hiệu” của làng nghề danh tiếng nên phải có không gian trưng bày tương xứng, họ không ngại đóng kệ, bỏ công bài trí gian hàng, nhưng liệu du khách có tin đấy là hàng Bát Tràng thật hay không khi chúng được bán trong một khu chợ lộn xộn!

Bởi vậy, tốt hơn hết là chịu tốn chút chi phí cho các khách sạn hay các bác xe ôm để họ hướng dẫn du khách đến làng gốm. Các hướng dẫn viên du lịch cũng không dám giới thiệu du khách đến chợ đêm Đồng Xuân, họ còn cảnh báo du khách nếu lỡ đến thì coi chừng mua phải hàng Trung Quốc kém chất lượng.

Chợ đêm Dinh Cậu ở Phú Quốc mở hồi đầu năm 2008 cũng nhằm thêm chỗ giới thiệu những mặt hàng hải sản khô, hàng mỹ nghệ biển, đặc biệt là ngọc trai Phú Quốc. Ngọc trai được bày bán ở đây nhiều thật, nhưng người mua không biết lấy gì bảo đảm rằng mình mua được đúng ngọc trai Phú Quốc, chưa nói đến ngọc loại 1, loại 2. Cả chợ có hơn 20 gian bán ngọc trai, nhưng chỉ có ba gian dựng bảng hiệu, bảo đảm bán đúng ngọc trai Phú Quốc, còn những người bán khác không ngại ngùng nói cho khách biết họ bán cả ngọc trai Trung Quốc.

Hầu như du khách không thể phân biệt được ngọc thật, ngọc giả, vậy nên càng không thể biết đâu là ngọc Phú Quốc, đâu là ngọc Trung Quốc, chỉ trông cậy vào sự thật tình của người bán. Còn hàng mỹ nghệ ở chợ đêm Dinh Cậu có đến 80 - 90% là của Trung Quốc, từ trang sức bằng đá, kim loại đến tượng mỹ nghệ bằng nhựa poly.

Hàng đặc sản khô vắng mặt ở chợ đêm Dinh Cậu với lý do dễ hiểu là các điểm du lịch tại Phú Quốc như cảng An Thới, làng chài Hàm Ninh đều có chợ bán đủ loại khô, mắm. Còn muốn mua tiêu, du khách vào thẳng nhà vườn mua cho đúng tiêu ngon.

Mở chợ cho hàng Trung Quốc?

Ở chợ đêm Đồng Xuân, dẫu biết quần áo, giày dép, túi xách, trang sức là hàng Trung Quốc thì không tốt lắm, may không kỹ nhưng người ta vẫn mua vì giá rẻ. Chẳng hạn, một đôi giày chỉ 30.000 - 50.000đ, mang một, hai tháng hư cũng được cho là hợp lý. Tiếp tay giới thiệu hàng Trung Quốc còn có cả các công ty thương mại nhà nước có cửa hàng dọc hai bên đường của chợ đêm Đồng Xuân, mùa hè họ bán quần áo mặc mát, mùa đông thì nhập hàng len Trung Quốc về kinh doanh.

Nếu như hàng Trung Quốc ở chợ Đồng Xuân đa số là hàng cấp thấp, thì ở chợ Bến Thành (TP.HCM) lại phong phú hàng Trung Quốc được cập nhật mẫu mã mới liên tục. Người bán sợ người mua “dị ứng” với hàng Trung Quốc nên thường nói là hàng của Hàn Quốc, Thái Lan, nhưng cũng có người nói thẳng: “Hàng Trung Quốc mới có giá này, cỡ này”.

Điều đáng nói nữa là đang có sự phân chia lãnh địa hàng Trung Quốc, hàng VN ở chợ Bến Thành. Trên đường Phan Bội Châu, tập trung các gian hàng phục vụ du khách nước ngoài muốn mua hàng mỹ nghệ, tranh VN, áo dài, áo thun có in hay thêu phong cảnh, hình ảnh VN... Còn ở đường Phan Chu Trinh hầu hết là hàng may mặc, giày dép, trang sức của Trung Quốc, nhiều nhất là hàng cho giới nữ. Những DN nhà nước, hợp tác xã trước đây được xem là những đơn vị chủ lực phát huy vai trò quảng bá hàng VN đến du khách nước ngoài đã phải chịu lép vế.

Đến giờ, nhìn chung, các chợ đêm du lịch đã duy trì được hoạt động khá tốt, song có thể nói, lý lẽ mở chợ đêm tại những khu vực trung tâm các thành phố du lịch để góp phần giới thiệu hàng VN nghe không còn lọt tai nữa vì thực tế cho thấy hàng Trung Quốc đổ vào ngày càng nhiều, như thể người ta dọn chỗ để mời chào hàng Trung Quốc.

Thực tế này thật đáng lo ngại khi chợ đêm du lịch chẳng tạo được ấn tượng cho du khách nước ngoài về hàng VN, ngược lại trở thành nơi người tiêu dùng VN đi mua sắm hàng Trung Quốc. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dọn chỗ cho hàng Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO