Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 263 (ra ngày 2/10)

P.V tổng hợp| 30/09/2013 01:36

Tin đồn ngành cà phê Việt Nam sắp sụp đổ đã lan rộng trên các diễn đàn cà phê thế giới.

Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 263 (ra ngày 2/10)

Báo Doanh Nhân Sài Gòn số 263 (phát hành ngày 3/10) có các nội dung chính sau:

Ý kiến chuyên gia
Nguyên Phó Thủ tướng VŨ KHOAN

Vẽ lại bức tranh “lổn nhổn”

Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011- 2015), khung thời gian khoanh lại nửa nhiệm kỳ 2011 - 2015 là hợp lý, nhưng nên đặt trong cả chiến lược 10 năm (2011- 2020). Hơn nữa, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI nêu nhiệm vụ kế hoạch 5 năm là nền tảng để đến 2020, cơ bản nước ta trở thành nước công nghiệp, nhưng đến nay nền tảng ấy mạnh, vững thế nào thì chưa thấy nói tới.

Về phạm vi kiểm điểm, kế hoạch 5 năm nêu 9 nhiệm vụ khác nhau, trong đó kinh tế chỉ là một, nếu không nhìn 8 cái còn lại, kinh tế sẽ đơn độc và không giải thích được vì sao trì trệ. Bên cạnh đó, 5 quan điểm chỉ đạo của chiến lược 10 năm, hoặc chưa thực hiện được, hoặc chệch hướng. Do đó, phải đặt kinh tế trong tổng thể khung phạm vi kiểm điểm, vì có rất nhiều cái không kinh tế nhưng ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, nếu không xem xét, khó đánh giá.

Chuyên đề

Thị trường thực phẩm chức năng: Đường lên “đỉnh kim cương”

Đặt bước chân đầu tiên vào thị trường Việt Nam năm 2008, có thể nói Amway là đơn vị mở đầu cho xu hướng sử dụng TPCN tại Việt Nam khi cụm từ bán hàng đa cấp còn nhiều hoài nghi, các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) cũng chưa được người tiêu dùng quen sử dụng. Chỉ sau 5 năm, Amway Việt Nam đã tạo ra những dấu ấn với 400 nhân viên, doanh số đạt hơn 4.000 tỷ đồng và hơn một triệu người tham gia phân phối.

Tuy chậm chân hơn Amway một năm, nhưng Herbalife Việt Nam cũng đã đạt được những con số đáng kinh ngạc, liên tục trong suốt 3 năm qua, tăng trưởng hằng năm luôn ở mức 50% trở lên, đứng ở vị trí thứ 16 của Herbalife toàn cầu về chỉ số phát triển kinh doanh.

Theo Euromoniter, thị trường TPCN ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm. Mối quan tâm của người dân Việt Nam với những sản phẩm này sẽ có những thay đổi đáng kể. Những dự báo đầy hứa hẹn này tiếp tục tạo nên sức hút đối với nhiều hãng kinh doanh TPCN trên thế giới.

Nuskin do chậm chân hơn hai đối thủ Amway và Herbalife nên gần đây có nhiều hoạt động ráo riết hơn, đặc biệt là mở rộng mạng lưới kinh doanh. Khá bất ngờ khi thành viên của Nuskin có nhiều người trước đây từng giữ vị trí cao cấp trong nhiều công ty, tập đoàn quốc tế. Những câu chuyện về thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng, những thành viên “Kim cương Xanh” có doanh thu hàng triệu USD... vẽ nên sức hấp dẫn của việc tham gia mạng lưới kinh doanh này.

Mặc dù có chiến lược kinh doanh và sản phẩm khác nhau nhưng Amway, Nuskin, Herbalife đều “đụng” nhau trong cuộc đấu giành nhà phân phối và thành viên. Để thu hút các thành viên tham gia mạng lưới, cả ba đều chú trọng hoạt động đào tạo và huấn luyện “thành viên mới”.

Chuyện làm ăn

Tin đồn ngành cà phê Việt Nam sắp sụp đổ: Có lửa mới có khói

Tin đồn ngành cà phê Việt Nam sắp sụp đổ đã lan rộng trên các diễn đàn cà phê thế giới. Thực tế, sự sụp đổ này có thể xảy ra vì hàng loạt doanh nghiệp cà phê (DN) có nguy cơ ngừng hoạt động vì bị gian lận thuế và vướng các thủ tục hoàn thuế.

Kể từ tháng 6/2013 đến nay, Công ty TNHH Minh Huy (Long Khánh, Đồng Nai) đã ngưng xuất khẩu cà phê dù đối tác vẫn điện thoại đặt hàng và Công ty không thiếu nguồn cung. Nguyên nhân khiến Minh Huy ngừng xuất hàng vì có quá nhiều rủi ro do sự cạnh tranh của các “DN ma” chuyên gian lận thuế với thủ đoạn tinh vi.

Không thiếu tiền kinh doanh nhưng từ đầu năm đến nay Công ty Haprosimex TP.HCM đã ngưng xuất khẩu cà phê. Lý do khiến Haprosimex ngừng kinh doanh vì môi trường kinh doanh đã bị phá vỡ. Ông Vũ Văn Hải, Giám đốc Haprosimex, cho biết: “Gian lận thuế VAT đã phá vỡ môi trường kinh doanh tại Việt Nam, người làm ăn chân chính đang chịu rủi ro. Và không chỉ có ngành cà phê mà ngành điều, tiêu cũng bị “DN ma” phá nát”.

Bibica: Bánh chia rồi bánh lại hợp?

Bibica là doanh nghiệp (DN) có nhiều triển vọng vì hoạt động trong ngành thực phẩm, một trong những ngành hấp dẫn nhất hiện nay. Cạnh tranh trong lĩnh vực bánh kẹo tuy gay gắt nhưng Bibica đã xây dựng được thương hiệu, tạo được uy tín nhất định. Đây là điều không phải DN nào cũng dễ dàng đạt được.

Ở mảng kẹo và đồ ngọt, BBC và HHC chia nhau thị phần 20% và 25%. Nhìn chung, BBC đang hiện diện trong nhóm 5 nhà sản xuất bánh kẹo hàng đầu Việt Nam.

Theo nhận định của Công ty Nghiên cứu thị trường Mintel Global Market Navigator năm 2010, thị trường bánh kẹo, đặc biệt là bánh quy ở châu Á còn nhiều tiềm năng để phát triển và thu hút các nhà sản xuất bánh ở phương Tây. Việt Nam đứng vị trí thứ 7 (xét về tiêu thụ/người và chi tiêu cho bánh kẹo/người) nhưng lại đứng thứ hai sau Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 25% (Trung Quốc 29%).

Chính sự hấp dẫn này là cơ sở để các DN ngoại gần đây đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống phân phối trải rộng thì chí ít, nhà đầu tư ngoại cũng phải mất chục năm như các “ông lớn” KDC hay BBC đã làm. Chính vì vậy, việc thâu tóm và chi phối cổ phần của các DN nội là điều mà không ít tập đoàn thực phẩm ngoại nhắm đến. Trường hợp của Lotte với Bibica là điển hình.

Tham gia vào Bibica từ năm 2007, doanh nghiệp Hàn Quốc này đã nhiều lần thể hiện tham vọng chi phối Bibica nhưng sự xuất hiện của SSI, thông qua việc nắm giữ 31,33% cổ phần tại BBC (so với 38,6% của Lotte) đã khiến tình hình thêm căng thẳng. SSI và Lotte vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để quyết định số phận của Bibica.

Hồn táo Tàu, da táo Mỹ

Thị trường trái cây nhập khẩu có thể nói là đang rơi vào tình trạng “bát nháo” khi người tiêu dùng và cơ quan chức năng không thể phân biệt được xuất xứ chính xác của các loại trái cây gắn mác nhập khẩu và được bán với đủ loại giá.

Hiện nay, cam Navel (Úc) và táo Red Delicious (Mỹ) được chào bán với mức giá khả rẻ, khoảng 50.999đ và 44.900đ/kg tại siêu thị Metro. Mức giá này được xem là khá cạnh tranh với nhà bán lẻ BigC và các được cửa hàng trái cây nhập khẩu tại TP.HCM. Mức giá này cũng khiến nhiều người tiêu dùng phân vân vì nếu nhập khẩu trực tiếp từ Úc hay Mỹ, trái cây sẽ có giá bán không rẻ.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng cung cấp trái cây nhập khẩu và bán trực tuyến khiến thị trường này càng đa dạng cũng như... phức tạp hơn. Rất khó để truy xuất nguồn gốc của các loại trái cây này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 263 (ra ngày 2/10)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO