Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 258 (ra ngày 28/8)

P.V tổng hợp| 26/08/2013 03:51

Về chỉ số đổi mới, Việt Nam đã liên tục tụt hạng từ nhiều năm nay.

Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 258 (ra ngày 28/8)

Báo Doanh Nhân Sài Gòn số 258 (phát hành ngày 28/8) có các nội dung chính sau:

Ý kiến chuyên gia:
TS. LÊ XUÂN NGHĨA - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh

Ai giám sát “sân sau”?

Cho vay “sân sau”, được gọi là cho vay người có liên quan, một khái niệm có tính luật pháp, có chế tài thực sự. Luật Ngân hàng quy định rất chặt chẽ về cho vay người có liên quan, chuyện vi phạm là do giám sát yếu. Trên thực tế, tiền “sân sau” hay “sân trước” đều là của nền kinh tế. Vấn đề quan trọng ở chỗ tín dụng đen đang là một trong những biện pháp tiêu cực để bù đắp thiếu hụt tín dụng chính thức.

Đến nay, khoảng trống lớn nhất là chưa có cơ quan nào giám sát thị trường tín dụng chợ đen hoặc hoạt động tiền tệ ngoài luồng, kể cả trong lĩnh vực vàng, đồng ngoại tệ. Do đó, cần có một cơ quan giám sát khác không thuộc NH Nhà nước (NHNN), bởi NHNN chỉ giám sát các NH, các định chế tài chính phi ngân hàng, còn đây là các tổ chức có tính chất ngầm, có thể phải là cơ quan bảo hiểm tiền gửi, cơ quan giám sát tài chính, thậm chí là cảnh sát kinh tế.

Một vấn đề nữa cũng liên quan đến giám sát là chuyện hầu hết các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước lớn đều sở hữu NHTM và các NH này lại cho chính DNNN là chủ sở hữu vay lại vốn.

Vấn đề mấu chốt vẫn ở khâu giám sát. Giám sát là cơ quan tương đối độc lập, do hội đồng cổ đông bầu cử, đặt ra ngoài hội đồng quản trị. Nếu thực hiện đúng luật và giám sát một cách hữu hiệu thì chuyện đó khó có thể xảy ra được, nhưng ở Việt Nam, bi kịch là không làm đúng chức trách.

Chuyên đề:

Gạch non dưới chân voi khủng

Những con số mà ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn SCG đưa ra bên lề Diễn đàn Sáng tạo vừa diễn ra ở Thái Lan vào trung tuần tháng 8/2013 cho thấy, tập đoàn lâu đời nhất xứ chùa vàng (100 năm) này đang có tham vọng trở thành “tượng đài” trong khu vực ASEAN.

Tận dụng thời điểm thị trường VLXD tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do những tác động từ tình trạng bất động sản đóng băng, cuối năm 2012, SCG đã ký thỏa thuận mua lại 85% cổ phần của Tập đoàn Prime. Việc mua lại Prime của SCG là một bước đi “có tính toán” vì theo chia sẻ của các chuyên gia tư vấn M&A, thay vì phải tốn nhiều thời gian và công sức để đi “gom” các doanh nghiệp (DN) nhỏ thì việc thương lượng và sáp nhập với một DN có “tiếng nói” trong ngành sẽ là giải pháp tối ưu để tiết giảm chi phí và nhanh chóng chi phối thị trường.

Ngay thời điểm SCG đặt vấn đề mua Prime, tập đoàn này là nhóm DN “chiếu trên” trong ngành sản xuất gạch ốp lát, khi chiếm hơn 30% thị phần cả nước (từng được Tạp chí World Ceramics xếp thứ 5 thế giới DN sản xuất gạch) và họ đã đầu tư đến 6 nhà máy, trong đó, nhà máy Prime Đại Lộc (Quảng Nam) với công suất 24 triệu m2/năm trở thành nhà máy lớn nhất Đông Nam Á.

Không dừng lại ở đó, hiện nay, các nhà sản xuất VLXD “ngoại” như SCG và Lixil Group (Nhật Bản, với thương hiệu Inax) đã và đang hướng đến việc cung cấp các giải pháp trọn gói.

Thương vụ SCG mua lại Prime Group không chỉ gây xôn xao dư luận về giá trị tiền của, mà còn vì thị trường ngành gạch ốp lát của Việt Nam không có gì hấp dẫn để đầu tư.

Trong bối cảnh bết bát như thế, việc các DN trong nước để các DN ngoại lấn lướt là điều dễ hiểu. Không chỉ bị lép vế so với quy mô sản xuất và thương hiệu so với nhà sản xuất có uy tín ngoại đang hoạt động tại Việt Nam, gạch ốp lát của DN Việt Nam đang bị các DN Trung Quốc chèn ép.

Không chỉ khó khăn về đầu ra trong kênh phân phối lẻ do hàng Trung Quốc và sự lớn mạnh của các thương hiệu ngoại đang hoạt động tại Việt Nam, gạch ốp lát “made in Vietnam” còn đối mặt với một số DN đang xả hàng tồn kho.

Trên thực tế, gạch men Việt Nam không chỉ thua trên sân nhà về quy mô đầu tư mà còn ở vấn đề nghiên cứu - phát triển (R&D). Khi tham quan Trung tâm Sáng tạo của SCG tại Trung tâm Thiết kế tại Thái Lan mới thấy được quy mô và tầm nhìn của tập đoàn này trong việc chi tiêu cho R&D nhằm tạo ra các sản phẩm mới, công nghệ trong khâu bán hàng, sản xuất... sao cho giá thành được tiết giảm ở mức thấp nhất cho người tiêu dùng.

Chuyện làm ăn:

Rút chân khỏi đa ngành

Cách đây nhiều năm, Bita’s rất tâm huyết với dự án cảng nước sâu Kê Gà và đã lập kế hoạch đầu tư. Tuy nhiên, sau khi tính toán mức đầu tư tính đến thời điểm này phải mất gần 3.800 tỷ đồng và phải đến 30 năm mới thu hồi được vốn, Bita’s đã quyết định buông dự án.

Trong khi đó, từng là thương hiệu lớn và dẫn đầu thị trường taxi trong nhiều năm, nhưng đến khi chuyển sang chiến lược đầu tư đa ngành, ôm đến 72 ngành nghề kinh doanh ở 50 tỉnh, thành khắp cả nước thì Mai Linh đã trở thành một con nợ khổng lồ.

Cũng như Mai Linh, Sacomreal cũng là một con nợ lớn và đang bị liệt vào danh sách là một trong những công ty có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cần cải thiện gấp. Vì vậy, năm 2013, Sacomreal đã thanh lý hợp đồng nhận chuyển nhượng từ Công ty An Phát Gia, bán lại Công ty Tân Thắng, giải thể Công ty Huỳnh Gia...

Đổi mới hay là… chết

Về chỉ số đổi mới, Việt Nam đã liên tục tụt hạng từ nhiều năm nay. Nếu như năm 2009, Việt Nam được xếp vị trí 64 về chỉ số đổi mới trên toàn cầu thì năm 2010 đã tụt đến 7 bậc, lên vị trí thứ 71. Năm 2011, vị trí này đã tăng lên thứ 51 nhưng lại tụt đến 25 bậc trong năm 2012. Theo ông Marco Breu, Tổng giám đốc McKinsey&Company Việt Nam, trong khi các nước khác ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Myanma... phát triển mạnh hơn trong những năm vừa qua thì Việt Nam lại giảm sút. Lao động giá rẻ với nguồn cung dồi dào là lợi thế của Việt Nam trong 10 năm qua nhưng nay đã không còn.

Bất động sản:

Người nước ngoài mua nhà: Cửa mở hờ

Chương trình thí điểm cho người nước ngoài (NNN) mua nhà tại Việt Nam (theo Nghị quyết 19/2008/QH12) sắp hết hiệu lực vào cuối năm 2013. Sau 5 năm triển khai, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, đến tháng 6/2013, đã có 100 (không bao gồm Việt kiều) trên tổng số 80.000 NNN đang sống và làm việc tại Việt Nam đã mua nhà. Theo quy định, NNN được phép mua nhà nhưng phải đáp ứng một trong những điều kiện: NNN có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, NNN được thuê giữ vị trí quan trọng trong doanh nghiệp (DN) được thành lập tại Việt Nam, NNN có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam cần và có kết hôn với người Việt Nam. Trong số 100 trường hợp vừa nêu, phần lớn là kết hôn với công dân Việt Nam, phần còn lại rơi vào tiêu chuẩn có đầu tư và người giữ vị trí quan trọng trong DN. Riêng với doanh nghiệp nước ngoài, chỉ vỏn vẹn 25 DN mua căn hộ.

Nguyên nhân chính được CBRE phân tích là do giá nhà đắt đỏ và quá nhiều tiêu chí ràng buộc bởi quy định hiện hành nên các tổ chức NN vẫn chuộng hình thức thuê thay vì mua. Bên cạnh đó là các quy định về việc không được chuyển nhượng, bán (trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất...) hoặc không được cho thuê..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 258 (ra ngày 28/8)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO