Doanh nghiệp trước áp lực thuế, phí

01/01/2013 09:47

Năm 2013, doanh nghiệp sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực khi một số loại phí được điều chỉnh tăng hoặc có bắt đầu có hiệu lực áp dụng; đồng thời chịu sức ép cạnh tranh do nhiều hàng nhập khẩu được giảm thuế suất theo lộ trình.

Doanh nghiệp trước áp lực thuế, phí

Năm 2013, doanh nghiệp sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực khi một số loại phí được điều chỉnh tăng hoặc có bắt đầu có hiệu lực áp dụng; đồng thời chịu sức ép cạnh tranh do nhiều hàng nhập khẩu được giảm thuế suất theo lộ trình.

Các doanh nghiệp vận tải cho rằng việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ gây thêm khó khăn cho hoạt động của họ trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.

Phí quốc lộ 51 tăng gấp đôi

Từ ngày 1/1/2013, mức phí này tăng gấp đôi so với mức thu hiện tại được áp dụng tại trạm thu T1 (tại Km 11, QL51, xã Tam Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai).

Cụ thể, đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 20.000 đồng/lượt, 600.000 đồng/tháng và 1,6 triệu đồng/quí.

Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức phí là 30.000 đồng/lượt, 900.000 đồng/tháng và 2,4 triệu đồng/ quí.

Xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng container 40 feet chịu mức phí 160.000 đồng/lượt, 4,8 triệu đồng/tháng và 13 triệu đồng/quý.

Phí đường bộ đối với ô tô và xe máy

Từ ngày 1/1/2013 việc thu phí đường bộ đối với ô tô và xe máy sẽ bắt đầu áp dụng.

Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên, lo ngại trong khi hợp đồng kinh doanh vận chuyển của doanh nghiệp chưa biết có ký được hay không thì doanh nghiệp phải đóng phí bảo trì đường bộ khi đi đăng kiểm xe.

Tăng lệ phí cấp thị thực

Theo thông tư số 190/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 1/1/2013, lệ phí cấp thị thực có giá trị một lần tăng từ 25 đô la Mỹ lên 45 đô la Mỹ. Lệ phí cho thị thực có giá trị dưới một tháng là 65 đô la Mỹ, dưới 6 tháng là 95 đô la Mỹ, từ 6 tháng trở lên là 135 đô la Mỹ,…

“Khách quốc tế sẽ giảm sút ngay lập tức”, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch bình luận về việc tăng lệ phí thị thực cũng như thông tin về việc có thể sẽ bỏ chính sách miễn thị thực cho một số thị trường trọng điểm trong thời gian tới.

Tăng phí bảo vệ thực vật

Từ ngày 7/2/2013, các mức phí mà các tổ chức, cá nhân (không phân biệt trong nước hay ngoài nước) phải đóng khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc về bảo vệ, kiểm dịch thực vật, quản lý thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm và các hoạt động khác trong lĩnh vực bảo vệ thực vật (gọi chung là bảo vệ thực vật) sẽ tăng, theo Thông tư số 223/2012/TT-BTC ban hành ngày 24/12/2012.

Thông tư mới này thay thế Thông tư số 110/2003/TT-BTC ngày 17/11/2003 của Bộ Tài chính. Bên cạnh việc tăng thêm mức đóng cho các mục phí đã có trong thông tư 110, theo thông tư mới, doanh nghiệp, cá nhân sẽ đóng thêm phí cho các hoạt động khác, như phí kiểm tra an toàn thực phẩm.

TP.HCM tăng giá nước 10%

Theo Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), từ ngày 1/1/2013, giá nước sạch trên địa bàn TP.HCM sẽ tăng 10% và lần tăng giá này nằm trong lộ trình tăng giá nước mỗi năm 10% được UBND thành phố phê duyệt trước đây.

Theo đó, giá mỗi mét khối nước đối với các hộ sử dụng dưới 4 m3/người/tháng là 5.300 đồng, trên 4 m3 đến 6 m3/người/tháng là 10.200 đồng và trên 6 m3/người/tháng là 11.400 đồng.

Các mức giá trên chưa bao gồm 10% thuế VAT. Ngoài ra, người sử dụng nước còn trả thêm 10% phí bảo vệ môi trường trên đơn giá nước mới.

Tăng lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu vùng được áp dụng từ ngày 1/1/2013 sẽ được điều chỉnh tăng, có mức từ 1.650.000 đến 2.350.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

Cấp giấy phép kinh doanh rượu theo số dân

Theo Nghị định số 94/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 về sản xuất, kinh doanh rượu, thì giấy phép kinh doanh rượu phải được cấp dựa trên số dân. Theo đó, với số dân 90 triệu người, số giấy phép kinh doanh phân phối rượu trên cả nước sẽ bị giới hạn ở con số 225.

Tại TP.HCM, chỉ được phép có 80 giấy phép kinh doanh bán buôn rượu, và tại toàn bộ quận 1 của TP.HCM cũng chỉ được có khoảng 115 giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu.

Khi được hỏi, một số doanh nghiệp kinh doanh rượu cho biết họ thấy lo lắng, vì với một thị trường tiềm năng như Việt Nam, thì những hạn chế về số lượng giấy phép, như trên cả nước chỉ có 225 giấy phép phân phối, là quá ít.

Giảm thuế nhập khẩu rượu, ô tô và nhiều sản phẩm theo cam kết WTO

Nhiều loại ô tô và rượu nhập khẩu sẽ được giảm thuế trong năm 2013 theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Cụ thể, nhiều loại xe ô tô sẽ được giảm thuế nhập khẩu khoảng 4 điểm phần trăm so với năm 2012, từ xe phục vụ sân gôn đến xe ô tô chở người có khoang chở hành lý chung (station wagons), SUV và xe thể thao,…

Nhiều loại rượu nhập khẩu cũng sẽ được giảm thuế, từ mức 48% hiện nay xuống còn 45%. Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác cũng được giảm thuế, như cá, mỹ phẩm, micro, loa thùng, cáp, camera kỹ thuật số…

Các mặt hàng này thuộc 208 dòng thuế Việt Nam sẽ cắt giảm vào năm 2013 để thực hiện cam kết WTO, với mức thuế suất cắt giảm thấp nhất là 0,29% và cao nhất là 25%, mức cắt giảm trung bình là 2,76%.

Giảm thuế nhập khẩu theo hiệp định tự do thương mại

Nhiều mặt hàng tiêu dùng của Trung Quốc sẽ có thuế suất thấp hơn khi vào thị trường Việt Nam từ ngày 1/1/2013, theo cam kết của Việt Nam trong Hiệp định tự do thương mại (FTA) ASEAN-Trung Quốc.

Biểu thuế này được ban hành kèm thông tư số 162/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011. Đến thời điểm này, theo biểu thuế trên, hầu hết hàng nông nghiệp (HS 01-08), hoá chất, thép, và nhiều kim loại khác, đều đã có mức thuế ưu đãi 0%. Chỉ còn lại nhiều hàng hoá tiêu dùng và một số mặt hàng, như xăng, dầu là còn mức thuế cao, từ 15-20%.

Năm 2013, nhiều hàng hoá tiêu dùng sẽ tiếp tục được giảm thuế, trong đó có một số mặt hàng, như quần áo, có mức thuế được giảm đến 10 điểm phần trăm.

Cụ thể, hàng may mặc và đồ phụ trợ quần áo bằng da, lông, túi xách có mức thuế giảm từ 15% xuống còn 5%. Quần áo và các hàng may mặc, như áo khoác, bộ com-lê, quần áo thể thao, áo jacket, áo nịt ngực, khăn,… có thuế suất giảm từ 15% xuống còn 10%,…

Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác cũng được giảm thuế nhập khẩu, khi có xuất xứ từ các thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ, theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định tự do thương mại với các nước này.

Siết chặt việc thành lập công ty chứng khoán

Thông tư 210/2012/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15-1-2013, thay thế quyết định 27/2007/QĐ-BTC, quy định lại các tiêu chí thành lập công ty chứng khoán. Theo đó, công ty chứng khoán muốn thành lập phải có một cổ đông sáng lập là ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, hoặc tổ chức nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực trên.

Thông tư này cũng quy định công ty chứng khoán không được mua, góp vốn mua bất động sản trừ trường hợp sử dụng làm trụ sở chính, phòng giao dịch… Đồng thời tổng nợ không được vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu, và phải tách bạch tiền gửi của khách hàng và tiền của công ty chứng khoán.

Theo tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn những quy định này lẽ ra phải làm từ lâu. Trước đây ủy ban đã có ý định tách bạch tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư và công ty chứng khoán, nhưng do công ty chứng khoán ù lì và sợ ảnh hưởng đến thanh khoản nên cuối cùng đã không làm quyết liệt.

Hiện tại, nếu làm việc này thì quá trễ. Cả trăm công ty chứng khoán mà phải tách bạch thì phải xây dựng lại phần mềm, đồng thời trên thực tế, hệ thống ngân hàng không quan tâm nhiều đến việc này nên cũng rất khó thực hiện.

Đồng thời, những quy định về việc thành lập công ty chứng khoán mới cũng sẽ không có nhiều người lưu tâm, vì số lượng công ty chứng khoán hiện nay đã rất nhiều, và rất nhiều công ty muốn rời khỏi thị trường vì thua lỗ nặng nề trong các năm qua, nên chẳng ai muốn thành lập công ty mới.

Thu hẹp điểm kinh doanh vàng miếng

Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, từ sau ngày 10/1/2013, chỉ những đơn vị nào đủ tiêu chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước mới được phép kinh doanh vàng miếng.

Các điều kiện trên được quy định trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP bao gồm doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ hai năm trở lên, có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong hai năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế), có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), đây là một quyết định mang tính hành chính nhằm thu hẹp điểm bán vàng, và chủ trương của nhà nước là không muốn người dân giữ vàng.

Tuy vậy ông Hải cho rằng không dễ đạt hiệu quả. Vì thực tế người dân sẽ giữ vàng hay ngoại tệ nếu niềm tin vào tiền đồng sụt giảm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hệ thống ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc thì sẽ không ít người đa dạng hóa danh mục cất trữ và đầu tư, trong đó, vàng sẽ là một trong các tài sản được coi trọng vì ít bị mất giá. Như thế, dù có thu hẹp điểm bán, người dân vẫn tìm đến vàng bằng cách này hay cách khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp trước áp lực thuế, phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO