Doanh nghiệp lo âu vì tỷ giá tăng

ĐỖ PHƯƠNG| 11/07/2013 08:17

Chưa bước vào quý III nhưng tỷ giá USD/VND lại tăng khiến doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư lo lắng.

Doanh nghiệp lo âu vì tỷ giá tăng

Chưa bước vào quý III nhưng tỷ giá USD/VND lại tăng khiến doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư lo lắng.

Đọc E-paper

Tuần cuối cùng của tháng 6, nhu cầu vay mượn USD của các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng gấp 2,5 lần. Thị trường liên ngân hàng khan hiếm USD, phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dừng bán USD cho các NHTM, theo đó, tỷ giá USD/VND tăng lên mức kịch trần 21.246 đồng. Điều này đã tác động đến hoạt động đầu tư và kinh doanh của DN.

Ngày 6/7, tỷ giá liên ngân hàng đạt 21.036 đồng, cộng với biên độ 1%, các NHTM đã bán ngoại tệ với giá 21.246 đồng, giá mua vào chỉ thấp hơn bán ra 6 đồng/USD. Tính từ ngày 28/6/2013, thời điểm NHNN tăng tỷ giá liên ngân hàng từ 20.828 đồng lên 21.036 đồng/USD, các NHTM đã liên tục tăng giá mua USD hơn 100 đồng.

Chính động thái này khiến nhiều người lo ngại, tình trạng khan hiếm USD sẽ trở nên căng thẳng từ đây đến cuối năm. Mặt khác, ngay từ đầu năm 2013, NHNN đề ra mục tiêu ổn định tỷ giá không vượt quá biên độ 2 - 3%, như vậy, sau đợt điều chỉnh hôm 28/6, dư địa điều chỉnh tỷ giá vẫn còn 1% mới đạt mức cam kết 3%.

Việc tỷ giá USD tăng, trước mắt sẽ tác động tích cực đến DN có hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Lữ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM), chênh lệch tỷ giá càng lớn và kéo dài sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài suy xét lại việc bỏ tiền vào thị trường Việt Nam vì tiền đồng đang mất giá nên khiến lợi nhuận họ kiếm được từ các khoản đầu tư giảm theo. Nếu biên độ tỷ giá dao động là 3% thì lợi nhuận của họ từ thị trường Việt Nam sẽ giảm tương ứng.

Về phía DN sản xuất cũng có nhiều quan điểm khác nhau trước tình hình tỷ giá USD/VND tăng. Theo ông Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Công ty Rkw Lotus đơn vị liên doanh giữa Rkw Se (Đức) và Lotus Chemical Technology (Việt Nam), chuyên sản xuất và xuất khẩu bao bì, túi nhựa PE, cho rằng, tỷ giá tăng cao hầu như ảnh hưởng rất ít đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN xuất khẩu, bởi họ mua hàng hóa bằng USD, bán ra bằng USD nên hầu hết không gặp trở ngại, vấn đề của họ giai đoạn này là tiền, kho bãi để mua và chứa nguyên vật liệu khi có đơn hàng. Do đó, chỉ có những biến động giá thị trường (tăng hoặc giảm) mới là điều đáng lo ngại với DN xuất khẩu.

Còn theo bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam, việc tăng tỷ giá ảnh hưởng không nhỏ đối với các DN nhập khẩu nguyên vật liệu và bán lại trong nước. Đây là rủi ro lớn, bởi DN thường ký hợp đồng cung cấp hàng hóa trong thời gian ba tháng, giai đoạn này cũng bước vào đầu quý III, DN bắt đầu cần nhiều vốn để quay vòng thời điểm cuối năm.

Theo đó, đối với những khách hàng mới hoặc những khách hàng có giao dịch không thường xuyên, DN buộc áp dụng mức giá mới. Riêng với những khách hàng lâu năm, DN đành chấp nhận giải pháp chia sẻ bằng cách vẫn áp dụng mức giá cũ như đã ký kết theo thỏa thuận.

Để bù đáp cho những chi phí bù lỗ trên, vấn đề của DN là phải phát triển khả năng quản trị nội bộ. Do đó, đứng ở khía cạnh nhà điều hành, Nhà nước cũng nên có những xem xét để có thể trung hòa giữa DN xuất khẩu và DN trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp lo âu vì tỷ giá tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO