Doanh nghiệp cũng tích cực dùng hàng Việt

NGUYÊN MẠNH| 20/12/2012 08:20

Nhiều thông số tích cực về mức độ đón nhận và tiêu thụ hàng Việt đã được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động).

Doanh nghiệp cũng  tích cực dùng hàng Việt

Nhiều thông số tích cực về mức độ đón nhận và tiêu thụ hàng Việt đã được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động).

Đọc E-paper

Nhiều thông số tích cực về mức độ đón nhận và tiêu thụ hàng Việt đã được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động).

Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), hiện nay đã có tới 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao so với con số 23% trước đây.

Còn theo số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011, có đến 90% người tiêu dùng tại TP.HCM chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt; tại TP. Hà Nội là 83%, trong đó, 59% người tiêu dùng mua và sử dụng hài lòng với sản phẩm Việt; 38% người tiêu dùng khuyên người thân ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh thành phố cũng cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đánh giá cao hàng Việt. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày đã được 80% người ưu chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả được trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng...

Các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, giới thiệu và đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp... được tổ chức ở hầu hết các địa phương. Theo báo cáo, đã tổ chức 1.433 hội chợ, triển lãm, 1.150 đợt bán hàng về nông thôn, 370 đề án xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương phê duyệt.

Từ khi khởi động Cuộc vận động, các doanh nghiệp là lực lượng tích cực triển khai các hoạt động khuyến khích người Việt dùng hàng Việt. Khối sản xuất ưu tiên mua sắm hàng trong nước phục vụ sản xuất kinh doanh, ưu tiên phân phối hàng trong nước.

Điển hình là việc nỗ lực sử dụng công nghệ, nguyên liệu trong nước, đưa sản phẩm chiếm lĩnh thị trường. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động, các doanh nghiệp dệt may, dầu khí, xi măng, điện lực có tỷ lệ mua sắm hàng trong nước chiếm tới 70%, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đầu vào, nguyên liệu, thiết bị máy móc của DN thuộc Bộ Công Thương tăng bình quân 25%/năm.

Trong hệ thống siêu thị lớn, hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, từ 80-90%, hệ thống Coopmart là 95%.

Dù đã có những kết quả khả quan, nhưng thực tế cho thấy, tâm lý sính hàng ngoại vẫn tồn tại ở một bộ phận người dân. Một số ý kiến cho rằng, nếu hàng sản xuất trong nước đạt chất lượng tốt, tạo dựng được thương hiệu, chắc chắn người tiêu dùng sẽ dùng hàng nội.

Một trong những hạn chế của việc người dân còn kém mặn mà với hàng made in Vietnam được nêu ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện triển khai Cuộc vận động đó là còn nhiều doanh nghiệp chưa phát huy vai trò, đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động, sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng tốt, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp cũng tích cực dùng hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO