Điểm sáng FDI và góc khuất về môi trường

NGUYÊN BẢO| 23/08/2016 00:11

Mọi sự qua loa trong thu hút FDI sẽ dễ dẫn đến tình trạng "sáng về vốn nhưng mù mịt về môi trường".

Điểm sáng FDI và góc khuất về môi trường

Trong khi những tổ chức uy tín quốc tế đưa ra báo cáo cho thấy Việt Nam đang là thị trường tiềm năng thu hút dòng vốn FDI mới, thì ngày 22/8, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra Hội nghị Công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, sau sự xả thải của Formosa - một trong những công trình FDI có vốn đăng ký lớn nhất miền Trung gây ô nhiễm môi trường biển trầm trọng.  

Đọc E-paper

Nói về mặt tích cực, bản báo cáo mới nhất của Diễn đàn Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển khẳng định, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm nhiều hơn đến khu vực "châu Á đang phát triển". Theo đó, năm 2015, trong tổng số 765 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào các nước đang phát triển, lượng vốn đổ vào các nước "châu Á đang phát triển" là 542 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ.

Mới đây, khảo sát của báo Financial Times (Mỹ) cũng đưa ra kết quả Việt Nam lần thứ hai dẫn đầu danh sách 14 thị trường mới nổi thu hút lượng vốn FDI mới, đứng trên nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan.

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm ngoái, tính chung cả vốn FDI cấp mới lẫn tăng thêm, Việt Nam đã thu hút 24,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ 2014 và tăng 9,6% so với kế hoạch năm.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã thu hút 12,94 tỷ USD vốn FDI, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, trong khi vốn cấp mới tăng 25,5% thì vốn đăng ký tăng thêm lại có sự đột biến, đạt 4,245 tỷ USD, tăng 125,7% so với cùng kỳ 2015.

Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư ở Việt Nam nên đã tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, điển hình như Samsung, LG (Hàn Quốc), Amata (Thái Lan) và sắp tới có thể là Apple (Mỹ) vì hiện tập đoàn này đang xem xét địa điểm xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Liên quan đến thu hút FDI của Việt Nam, ngày 9/8, báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered nhấn mạnh, đến nay, 65% dòng vốn FDI vào Việt Nam đầu tư vào sản xuất. Các chuyên gia của Standard Chartered kỳ vọng xu hướng này tiếp tục trong những quý tiếp theo, đặc biệt khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng cao.

Hiện Việt Nam là điểm đến đầu tư được ưa thích của các công ty sản xuất tại phía nam Trung Quốc do đang muốn dời ra khỏi nước này. Hơn 40% khách hàng đang hoạt động tại Trung Quốc của Ngân hàng Standard Chartered muốn dời sang Việt Nam, trong khi Campuchia là điểm đến được quan tâm thứ hai.

Các chuyên gia của Standard Chartered cũng cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục thu hút dòng vốn FDI vào ngành sản xuất công nghệ cao để hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu hàng điện tử.

Tuy nhiên, trong "không khí hân hoan" về thành tích thu hút FDI, trường hợp Formosa lại là "bài học nhãn tiền" liên quan đến phân cấp đầu tư, chạy theo vốn đăng ký đầu tư mà bỏ quên những hệ lụy môi trường.

Về vấn đề này, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài đã chia sẻ, với nguồn lực về vốn, công nghệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn cần dòng đầu tư bên ngoài, nhưng phải thực hiện đúng chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo đó, cần phải phân định cái gì trong nước làm được thì để cho trong nước làm và chỉ cấp phép cho các dự án FDI khi đã đáp ứng đủ các quy định của luật pháp, cụ thể là đúng quy hoạch, nhà đầu tư có năng lực tài chính, có công nghệ cao, đảm bảo các điều kiện về môi trường và đã có cam kết giải pháp, kế hoạch triển khai dự án rõ ràng, cụ thể. Mọi sự qua loa trong thu hút FDI sẽ dễ dẫn đến tình trạng "sáng về vốn nhưng mù mịt về môi trường".

>Kết luận về nguyên nhân cá chết bất thường tại miền Trung

>Hai nguyên nhân gây cá chết hàng loạt tại miền Trung

> Trung Quốc: Bắc Kinh báo động đỏ về ô nhiễm môi trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điểm sáng FDI và góc khuất về môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO