Đầu tư công giúp chặn đà suy giảm kinh tế

Nguyễn Hoàng| 27/03/2020 06:00

Dịch Covid-19 đang làm cho tổng chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm sút, vai trò của đầu tư công trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nhằm giúp nền kinh tế không rơi vào suy thoái.

Đầu tư công giúp chặn đà suy giảm kinh tế

Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại bởi tác động từ dịch Covid-19, dự báo quý I/2020 chỉ đạt 6,25%, giảm 0,55 điểm phần trăm so với mức mà Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ đề ra. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói rằng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) là việc quan trọng và có thể làm ngay để chặn nguy cơ suy giảm GDP. Năm 2020, dự tính vốn ĐTC sẽ giải ngân được 93% kế hoạch, nhưng nếu thúc đẩy giải ngân hết 100% số vốn, thì 7 điểm phần trăm này sẽ giúp tăng trưởng kinh tế tăng thêm 0,42 điểm phần trăm. 

Con số tăng trưởng mà ông Nguyễn Bích Lâm đề cập có thể trở thành viễn cảnh nếu nhìn vào thực trạng giải ngân ĐTC hiện nay. Tình trạng không giải ngân hết vốn ĐTC theo kế hoạch hằng năm đang ngày càng phổ biến. Thậm chí, lượng vốn giải ngân ĐTC còn trong xu hướng giảm, năm sau thường thấp hơn trước, năm 2016, 2017, 2018, 2019 giảm lần lượt là 97,8%; 94,4%; 92,3% và 89,5%. 

Đại diện các địa phương đã nhiều lần đề cập vấn đề chậm giao vốn ĐTC để giải ngân. Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Doãn Toản cho biết, thời gian làm thủ tục giao vốn ĐTC hiện nay lâu hơn trước, thậm chí bị kéo dài. Hà Nội đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu việc trở lại quy trình phê duyệt trước đây, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trước khi tiến hành các bước tiếp theo.

Link bài viết

Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương vẫn chậm dù đã sớm phân bổ kế hoạch vốn. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, đến hết ngày 29/2/2020, các bộ, ngành, địa phương giải ngân được hơn 34.749 tỷ đồng, đạt 7,38% kế hoạch mà Quốc hội, Chính phủ giao, tăng 2 lần số vốn được giải ngân so với cùng kỳ năm ngoái cả về tiến độ và mức thực hiện, nhưng vẫn chậm so với yêu cầu phải giải ngân trên 10% vốn dự toán. 

Vấn đề chậm giải ngân vốn ĐTC, trong nhiều năm qua đã trở thành nút thắt của nền kinh tế. Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, nhưng chỉ xử lý được những vướng mắc trong thủ tục ĐTC, không xử lý được những vấn đề liên quan đến đấu thầu, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vừa qua, ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thừa nhận, tình trạng giải ngân chậm ảnh hưởng đến hiệu quả ĐTC, đội vốn các dự án và công trình, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với các chủ nợ, nhà tài trợ mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu Việt Nam giải ngân thêm được 10% vốn ĐTC trong năm 2020 sẽ làm tăng thêm 1,5% tỷ lệ vốn ĐTC trên GDP. Như vậy, nếu số vốn ĐTC hơn 600.000 tỷ đồng, bao gồm 100.000 tỷ đồng chưa được giải ngân theo kế hoạch năm 2019 và khoảng 450.000 tỷ đồng theo kế hoạch năm 2020 sớm được giải ngân sẽ tạo tiền đề cho nền kinh tế phát triển sau khi hết dịch. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, chỉ nên giới hạn giải ngân vốn ĐTC trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục, với sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội.

Khuyến cáo của ông Phạm Thế Anh là có cơ sở, trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang thắt chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP. Tin tốt là Chính phủ đang có nhiều chủ trương phù hợp nhằm thúc đẩy các dự án ĐTC đã được phê duyệt. Trong Chỉ thị số 11/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu các bộ và địa phương khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân các dự án ĐTC quan trọng, có quy mô lớn, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đang bị chậm tiến độ, như mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Hiện nay, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư một số công trình, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 cho từng dự án làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư. Bộ Giao thông - Vận tải đang nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư xây dựng một số công trình theo hình thức PPP của cao tốc Bắc - Nam sang ĐTC để báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với ba đoạn cao tốc: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây. 

Hy vọng, việc gỡ các nút thắt trong giải ngân vốn ĐTC, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng, sẽ không chỉ giúp tránh suy giảm kinh tế, mà còn góp phần phục hồi tăng trưởng khi hết dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư công giúp chặn đà suy giảm kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO