Cử nhân thất nghiệp nhiều do chất lượng đào tạo đại học thấp

TN| 10/08/2022 06:00

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ sinh viên thất nghiệp còn cao, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường được cho là do chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Cử nhân thất nghiệp nhiều do chất lượng đào tạo đại học thấp

Nhận định trên được đưa ra trong “Báo cáo Phân tích Ngành Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với UNESCO tại Việt Nam thực hiện, được công bố tại hội thảo tổ chức ngày 8/8 tại Hà Nội.

Báo cáo dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, hơn 3% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và 2,8% cử nhân đại học thất nghiệp, trong khi trung cấp chỉ 1,1 và người chưa từng đi học 1,5%. "Nguyên nhân một phần do những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao hơn nên mất nhiều thời gian để tìm việc phù hợp với ngành học", nhóm nghiên cứu nhận định.

Theo thống kê, số đại học vào top 1.000 của ba bảng xếp hạng uy tín Webometrics, QS và THE do Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2020, Việt Nam đứng cuối cùng, sau cả Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Theo đó, ở bảng xếp hạng của QS và THE, Việt Nam chỉ có hai trường góp mặt trong top 1.000 và không có đại diện nào ở Webometrics. Trong khi đó Indonesia là 9, 3 và 2, còn Thái Lan là 8, 5 và 6.

Ngoài chất lượng giáo dục thấp, báo cáo cũng chỉ ra hoạt động nghiên cứu trong các đại học Việt Nam tụt hậu. Xét tỷ lệ nghiên cứu trên một triệu dân giai đoạn 2010-2017, Việt Nam tăng từ 23 lên 63, thấp hơn với mức 10-71 của Indonesia, 140-212 của Thái Lan và còn kém xa mức 4.092-4.813 của Thuỵ Sĩ - quốc gia đứng đầu danh sách.

Xét số bằng sáng chế trên một triệu dân, Việt Nam đạt 1,24, trong khi Philippines 1,35, Indonesia 1,67, Thái Lan 3,16, Malaysia 30. Với Thuỵ Sĩ, Đan Mạch và Singapore, con số này lần lượt là 3.065, 1.084 và 548, chênh lệch hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần với Việt Nam.

Các chuyên gia chỉ ra rằng mức độ đầu tư của Nhà nước Việt Nam cho giáo dục đại học còn hạn chế. Theo số liệu của Học viện Tài chính, năm 2017, Việt Nam chi 17.000 tỷ đồng cho giáo dục đại học. Con số này chiếm 0,34% tổng GDP của Việt Nam, tương đương 1,25% trong ngân sách của chính phủ và 6,9% chi tiêu cho giáo dục, đào tạo (không gồm học phí). Bên cạnh đó, giáo dục đại học từng là đối tượng thụ hưởng chính từ nguồn viện trợ ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) với tỷ trọng gần 70%, tuy nhiên nguồn này đã giảm một nửa trong thập niên 2010-2019.

-6263-1660036310.jpg

Một nghịch lý đang xảy ra là có không ít cử nhân đại học phải quay trở lại chọn một nghề cụ thể để theo học trung cấp

Chưa kể, việc quản lý đại học đang có sự phân mảnh khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ trực tiếp quản lý hơn 40 trường, trong khi Việt Nam có khoảng 240 đại học và hai đại học quốc gia, chưa tính 400 trường cao đẳng và trung cấp đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Việc bị phân mảnh và không có hệ thống thông tin kết nối đồng bộ khiến công tác quản lý đại học khó khăn.

Tại một hội thảo năm 2021 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức, GS Martin Hayden, Đại học Southern Cross, (Australia) chỉ ra trong 12 năm 2008-2020, tỷ lệ nhập học của sinh viên Việt Nam tăng khoảng 40%. Tuy nhiên, số lượng giảng viên khó có thể bắt kịp mức độ tăng nhanh chóng như vậy.

"Nhiều giảng viên Việt Nam chia sẻ với tôi bên cạnh giảng dạy, họ phải làm quá nhiều việc. Tôi nghĩ phải tìm cách để giúp giảng viên làm việc hiệu quả, bớt căng thẳng, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục đại học", ông Martin nói.

Từ các số liệu trên, tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phát triển giáo dục đại học theo hướng chú tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, có tư duy đổi mới sáng tạo và đóng góp và phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu khoa học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cử nhân thất nghiệp nhiều do chất lượng đào tạo đại học thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO