CPI tháng 11 TP HCM tăng 1,73%

20/11/2010 08:10

Lương thực, thực phẩm đắt đỏ hơn tháng trước 2,88%-6,65% là tác nhân đẩy CPI TP HCM tháng 11 tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

CPI tháng 11 TP HCM tăng 1,73%

Lương thực, thực phẩm đắt đỏ hơn tháng trước 2,88%-6,65% là tác nhân đẩy CPI TP HCM tháng 11 tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Số liệu Cục Thống kê vừa công bố, 11 nhóm hàng đều đồng loạt tăng giá so với tháng trước, dẫn đầu là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với 2,76% - mức tăng cao nhất trong 11 tháng qua.

Rau củ quả tăng giá chóng mặt trong tháng 11. Ảnh: B.H.

Sở dĩ nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI lên đột biến, là do lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình tăng giá mạnh, lần lượt 6,65%; 2,88%; 0,67%. Trong khi hồi tháng trước, 3 mặt hàng này đều chỉ tăng dưới 1%.

Chi phí tiêu dùng, bữa ăn gia đình do vậy đã đội lên đáng kể trong tháng gần cuối năm. 

Bão lũ hoành hành miền Trung khiến nhiều hecta lúa, hoa màu mất trắng, đồng thời nhu cầu cứu trợ tăng cao khiến giá lương thực dâng cao đột biến gần 7%.

Gạo thường biến động nhiều nhất, với mức tăng 2.000 đến hơn 3.000 đồng một kg, gạo ngon tăng giá ít hơn nhưng cũng phổ biến trên 1.000 đồng. Các loại ngũ cốc, bột mì, lương thực chế biến cũng thi nhau áp giá mới.

Cùng đạt mức tăng trên 2% còn có nhóm hàng hoá và dịch vụ khác (2,12%), trong đó có nguyên nhân từ cơn sốt giá vàng. Được xem là hàng hoá đặc biệt, nên chỉ số giá vàng (tháng này tăng đến 8,85%) được tách riêng ra khỏi nhóm hàng tính CPI.

Song, nó lại có những tác động gián tiếp. Bởi chi phí cho đồ trang sức (dây chuyền, vàng...) lại được xếp vào nhóm hàng hoá và dịch vụ khác. Cơn điên loạn của giá vàng có lúc vọt khỏi 38,2 triệu đồng một lượng vô hình chung đẩy giá nhóm này tăng cao nhất trong 8 tháng qua.

9 nhóm hàng còn lại có mức tăng dưới 2%, thấp nhất 0,02% (bưu chính viễn thông) và nhiều nhất là văn hoá giải trí và du lịch (1,89%).

Diễn biến giá cả những tháng cuối năm càng trở nên khó kiểm soát, dù chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu vẫn đang áp dụng tại TP HCM.

Sự chênh lệch giữa giá bình ổn (thấp) và ngoài thị trường (tăng cao) khiến hàng bình ổn (ví dụ: đường) có lúc xảy ra tình trạng khan hiếm, thậm chí khâu cung ứng cho người tiêu dùng có lúc bị gián đoạn ở các siêu thị.

Với mức tăng 1,73% trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng TP HCM từ đầu năm đến nay cao thêm 7,84% và so với cùng tháng năm trước đã đội lên 9,13%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CPI tháng 11 TP HCM tăng 1,73%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO