Công nghiệp ô tô Việt Nam chưa hấp dẫn

Nguyễn Hoàng| 28/09/2020 08:22

Việt Nam đang hướng đến việc phát triển thành một trung tâm ngành công nghiệp ô tô trong khu vực, nhưng khó có thể thành hiện thực sớm do quy mô thị trường hiện nay chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/5 của Indonesia.

TS. Trương Thị Chí Bình -  Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu tác động của công nghiệp hỗ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô thời gian tới. Tác giả đã sử dụng 10 biểu đồ, qua đó cho thấy năng lực sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam còn thấp, thể hiện qua ba yếu tố chính, đó là vốn, công nghệ và kinh nghiệm. Vì thế chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng sản phẩm, giá thành và tiến độ giao hàng. Hơn nữa, Việt Nam chưa có đầy đủ hạ tầng cần thiết để phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô, từ đó, gây trở ngại cho các nhà sản xuất sản phẩm hỗ trợ toàn cầu muốn đầu tư hoặc liên kết đầu tư. Tình trạng thiếu nguyên liệu, công nghệ khuôn mẫu kém phát triển cũng là các yếu tố bất lợi cho công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam.

Theo bà Trương Thị Chí Bình, Việt Nam đang hướng đến việc phát triển thành một trung tâm ngành công nghiệp ô tô trong khu vực, nhưng khó có thể thành  hiện thực sớm do quy mô thị trường hiện nay chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/5 của Indonesia. Với hơn 20 công ty và 40 thương hiệu xe, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn quá khiêm tốn bởi công suất lắp đặt 500.000 xe mỗi năm, trong đó 47% là do đầu tư nước ngoài. 

vinfat-1240-1601198261.jpg

dữ liệu của Bộ Công Thương ghi nhận xe tải và xe chuyên dụng đạt tỷ lệ nội địa hóa cao nhất ở mức 50%. Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa cho các loại xe tải và xe khách loại lớn mang nhãn hiệu Thaco lần lượt là 40-45% và 60%, đáp ứng các quy định về sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Riêng tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi ban đầu được đặt ra là 40% vào năm 2005 và 60% trong năm 2010 lại chỉ đạt 10% tính đến nay, ngoại trừ Thaco đạt 15-20%, Toyota Việt Nam đạt 37% nhưng chỉ đối với mẫu xe Innova.

Dù Chính phủ đã có chính sách bảo hộ ngành sản xuất ô tô trong nước từ năm 1992, chi phí sản xuất hoàn thiện một chiếc xe vẫn cao hơn 20% so với Thái Lan hoặc Indonesia. Thêm vào đó, ô tô con được sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa đạt được ngưỡng giá trị nội địa hóa 40% để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA). 

Theo báo cáo của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, các nhà sản xuất ô tô trong nước gặp bất lợi do quy mô nhỏ, ngành công nghiệp phụ trợ còn hạn chế, hầu hết linh kiện phải nhập từ nước ngoài về lắp ráp. Linh kiện ô tô được nội địa hóa như lốp xe, ghế ngồi, gương, kính, dây điện, ắc quy và các cấu kiện bằng nhựa vẫn có hàm lượng công nghệ thấp. Có đến 80-90% nguyên liệu chính để sản xuất linh kiện như nhôm và hợp kim thép, nhựa dẻo, cao su công nghệ cao cũng như vật liệu đúc đều nhập khẩu. 

Bất chấp những bất lợi về quy mô, năm 2019, thị trường ô tô Việt Nam vượt mốc 400.000 phương tiện mới, bao gồm 302.000 xe cá nhân và 80.000 xe thương mại. Trong số đó, 70% là xe lắp ráp từ linh kiện nhập khẩu (CKD) và 30% là xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia chiếm tới 90% thị phần, do một số nhà lắp ráp CKD đã chuyển sang nhập khẩu CBU từ các nước ASEAN để khai thác lợi ích của ATIGA từ năm 2018. Nhưng các chính sách của Việt Nam cũng chưa nhất quán, những ưu đãi theo nhận định của các đơn vị lắp ráp CKD là chưa nhiều, cộng thêm hiện trạng thiếu hụt các nhà cung cấp đã và đang là nguyên nhân khiến việc sản xuất ô tô thiếu hấp dẫn so sánh với các quốc gia ASEAN khác. 

Việt Nam vẫn là thị trường nhập khẩu quan trọng của khu vực ASEAN đối với các thương hiệu xe châu Âu. Nhưng những quyết định gần đây đã hạn chế quyền thương mại của các công ty ô tô có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Cụ thể, Nghị định 69/2018/NĐ-CP khiến các công ty ô tô nước ngoài không nhập khẩu xe vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sang nước khác hoặc chuyển khẩu. Nghị định 74/2018/NĐ-CP cũng khiến hoạt động thương mại phức tạp hơn vì yêu cầu kiểm tra cơ bản chất lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam để xuất khẩu sang nước khác dù những xe này không đưa vào sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, các đơn vị nhập khẩu xe đã có giấy phép kinh doanh hợp lệ bao gồm chuyển khẩu chỉ có thể thực hiện hoạt động này cho đến khi giấy phép kinh doanh hết hiệu lực theo Điều 72.2 của Nghị định 69/2019/NĐ-CP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp ô tô Việt Nam chưa hấp dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO