Cơ hội cho doanh nghiệp TP.HCM chuyển đổi và tái cấu trúc

Nguyễn Loan| 06/03/2020 06:00

Dịch Covid-19 đã lây lan đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam tuy thành công bước đầu nhưng việc phòng chống nguy cơ bùng phát dịch cần nguồn lực rất lớn. Bên cạnh thiệt hại do dịch bệnh gây ra thì cũng có những cơ hội khi có những giải pháp phù hợp để tái cấu trúc doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TP.HCM.

Cơ hội cho doanh nghiệp TP.HCM chuyển đổi và tái cấu trúc

Ngay khi thấy tầm quan trọng của dịch Covid-19, nhiều ý kiến của các chuyên gia, DN đề nghị Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ thiết thực. Liên quan đến chính sách thuế, TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Việc hỗ trợ thiết thực nhất của Chính phủ là chính sách tài khóa, như giãn, hoãn, giảm thuế để DN trụ được qua lúc khó khăn và có thể giảm thuế thu nhập cho DN vừa và nhỏ xuống mức 15-17%.

Tại cuộc gặp gỡ DN trong Chương trình Cà phê Doanh nhân HUBA lần thứ 50, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM sớm nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cộng đồng DN trong việc giảm, giãn hoặc hoãn nộp một số loại thuế, nhất là thuế thu nhập DN. 

Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Lê Duy Minh đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị với Bộ Tài chính giãn thời gian nộp quyết toán thuế đến cuối tháng 6/2020 cho DN thay vì cuối tháng 3 theo quy định. 

Bên cạnh những ý kiến đề xuất trên, cũng có những chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nhìn nhận khó khăn do dịch Covid-19 ở mức bao quát và bình tĩnh chọn giải pháp ứng phó. Đồng thời, nhân cơ hội này tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Điều vướng chính là động lực tăng trưởng của nền kinh tế bị ngưng trệ. Trong khi đó, mục tiêu lớn nhất của TP.HCM là đi đầu trong xây dựng đô thị hiện đại và cũng là kỳ vọng phát triển kinh tế lớn nhất của đất nước. Chính vì vậy, để phát triển kinh tế bền vững, mục tiêu không hẳn là chỉ số tăng trưởng cao mà nằm ở sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt, ổn định thị trường bất động sản và cần tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Thành phố. 

Năm 2019, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 27% số dự án nhưng lại giảm tới 6,8% dòng vốn. Nguyên nhân chính do DN nhỏ và siêu nhỏ từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam để tránh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. HIện nay, TP.HCM cũng chưa có nhà đầu tư trong nước nào đủ mạnh giữ vai trò chỉ dẫn nguồn lực kinh tế. Sự việc Novaland “cầu cứu” vì dự án nghìn tỷ đồng “đắp chiếu” cho thấy thực trạng DN vốn lớn thì độ rủi ro càng cao. 

Ngoài ra, khi dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam và TP.HCM của một số nước nào đó tăng nhanh, thì ngoài cơ hội đó cũng là thách thức. Trước mắt, tình trạng dịch bệnh ở Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia có quan hệ đầu tư, thương mại bậc nhất đối với Việt Nam ở cả nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp và du lịch, dịch vụ đều ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19.

Đối phó với khó khăn hiện tại, phương châm được lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM quán triệt đến các cấp, các ngành là tập trung phòng, chống dịch bệnh hiệu quả với tinh thần tất cả vì sức khỏe, an toàn của nhân dân. Đồng thời nỗ lực cao nhất để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA (đặc biệt đối với các công trình, dự án trọng điểm). Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thanh toán điện tử. Cải cách thủ tục hành chính thực chất hơn để tạo môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh. Phát triển hợp lý thị trường bất động sản. Tái cơ cấu nhằm đa dạng thị trường du lịch, thị trường nhập khẩu nguyên liệu cho các ngành sản xuất. 

Về phía DN, khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế là trong khi chờ đợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước, DN TP.HCM cần chủ động đa dạng hóa thị trường, cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào một vài thị trường, một vài đối tác. Rủi ro dịch bệnh tuy tạo ra khó khăn, áp lực nhưng cũng là cơ hội để tái cấu trúc DN, hoạch định lại chiến lược phát triển theo mô hình tự chủ. DN nên đẩy mạnh liên kết ngành nhằm tạo thế cân bằng trong chuỗi cung cầu. Bứt phá trong giai đoạn khó khăn này giúp DN thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Lợi dụng dịch Covid-19, Thành phố cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển chuyên sâu, tạo ra giá trị gia tăng chứ không chạy theo số lượng.

Ngay sau văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại có trụ sở tại TP.HCM đã công bố các gói vay ưu đãi cho những khách bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể là ACB dành gói vay 25.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho các cá nhân và DN vừa và nhỏ. SHB dành 3.000 tỷ đồng hỗ trợ các gói vay tương tự với mức giảm lãi suất 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Sacombank dùng vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng giảm lãi suất 2%/năm dành cho khách hàng là cá nhân, DN vay phục vụ sản xuất, kinh doanh... Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã có chính sách hỗ trợ cho hơn 44.000 khách hàng bị thiệt hại do Covid-19, với tổng dư nợ 250.000 tỷ đồng. Ông Đinh Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB bày tỏ mong muốn chia sẻ khó khăn với DN bằng các gói tài chính, dịch vụ ưu đãi, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đây là những cơ hội cho DN Thành phố tiếp cận nguồn vốn để chuyển đổi. 

Theo Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2020, lượng khách các nước đến Việt Nam giảm 37%, doanh thu ngành du lịch giảm 21%. Riêng TP.HCM, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2020 tăng 1,13% so với tháng 12/2019 và tăng 5,07% so với cùng tháng năm trước. Dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN TP.HCM ước đạt 6.012,7 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) đạt 5.631,3 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó chứng tỏ DN TP.HCM cũng đã đa dạng thị trường xuất khẩu mà không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Doanh nghiệp TP.HCM nên tiếp tục tận dụng lợi thế của EVFTA với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại giữa hai bên, DN trên địa bàn TP.HCM cần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau gia tăng xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế, như dệt may, da giày, nông, thủy sản. EVFTA mở ra cơ hội lớn nữa cho DN mở rộng thị trường.

Trong nguy có cơ, DN TP.HCM cần có phương án tiếp cận các nguồn lực hiệu quả để tái cấu trúc và chuyển đổi; tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế cũng như tiếp cận nhiều thị trường tiêu thụ mới, giảm sự lệ thuộc vào các đầu mối kinh doanh truyền thống. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội cho doanh nghiệp TP.HCM chuyển đổi và tái cấu trúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO