Cơ hội cho các loại hình dịch vụ mới

Nguyễn Hoàng| 20/03/2020 01:00

Đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế Việt Nam, nhưng đây có thể là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh các loại hình dịch vụ mới.

Cơ hội cho các loại hình dịch vụ mới

Dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng ngại đến những nơi đông người nên đã tạo cơ hội để bán hàng trực tuyến. Siêu thị ảo VinMart 4.0 của Tập đoàn Masan xuất hiện gần như cùng thời điểm bùng phát dịch, đang phát huy tác dụng, giúp nhiều người mua hàng dễ dàng, nhanh chóng. Khác với các ứng dụng mua hàng online, VinID - mô hình công ty tài chính công nghệ hoạt động theo cơ chế mô phỏng những cửa hàng bán lẻ và siêu thị vật lý với hình ảnh của sản phẩm đều gắn sẵn mã QR Code, do đó người dùng chỉ cần cài đặt VinID, quét mã QR Code trên điện thoại, hàng hóa sẽ được giao đến tận nhà. Dù chất lượng dịch vụ chưa thực sự hoàn hảo, nhưng hình thức mua bán này giúp nhiều doanh nghiệp (DN) bảo toàn doanh số và giúp người tiêu dùng an tâm phòng dịch.  

Dịch Covid-19 cũng thúc đẩy sự gia tăng thanh toán thẻ hay qua Internet, trong đó tăng nhanh nhất là giao dịch ngân hàng qua điện thoại di động với mức tăng 196% về số lượng và 225% về giá trị - theo số liệu của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ngày thêm nhiều người dân không dùng tiền mặt, thanh toán qua smartphone những món hàng giá trị nhỏ qua mã QR Code, dù khách hàng vẫn chuộng phương thức nhận hàng trả tiền. 

Từ 7 ngân hàng cấp thẻ chip hồi đầu năm 2019, đến quý I/2020 đã có 26 ngân hàng cung cấp thẻ chip. Số liệu của Cục Công nghệ Thông tin thuộc Bộ Y tế ghi nhận, đến nay có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng QR Code tại bệnh viện, chiếm 35% tổng số thanh toán của bệnh viện. Bệnh nhân cũng có thể nhờ người thân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa.

Đại dịch Covid-19 làm nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, do đứt gãy nguồn nguyên liệu đầu vào và sức mua bị ảnh hưởng. Do đó, cơ hội phát triển các dịch vụ bán hàng mới, như đề cập ở trên, có thể chỉ đến với một vài lĩnh vực trong nền kinh tế, cộng đồng DN vẫn rất cần những chính sách cụ thể của Nhà nước để duy trì sản xuất, kinh doanh. 

Tại buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ DN, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn, hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những ngành chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19. Chính phủ cũng đã chuẩn bị một chương trình toàn diện phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, bao gồm cả chương trình kích cầu, sau khi đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. 

Ngày 13/3/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020 Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Bước đầu, các tổ chức tín dụng nước ngoài đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ 21.753 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng. Hiện NHNN đang cân nhắc thời điểm giảm lãi suất điều hành nhằm giúp các tổ chức tín dụng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện hỗ trợ DN. 

Nhìn vào nền kinh tế, mọi sự hỗ trợ đối với DN lúc này là rất cần, nhưng những hỗ trợ này sẽ không nhiều ý nghĩa nếu DN không tự tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Hiện chuỗi cung ứng toàn cầu đã xuất hiện sự thiếu hụt nguồn cung do Trung Quốc đình trệ sản xuất, mà ngành chế biến, sản xuất gỗ, hàng dệt may, da giày bị ảnh hưởng nhiều nhất. Dù vậy, đại dịch cũng có thể là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh ra thế giới. Việt Nam cũng có thể tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc khi nước này đã vượt qua dịch bệnh và sẽ bùng nổ nhu cầu về nông sản. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội cho các loại hình dịch vụ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO