Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Thời điểm chín muồi

ĐỨC PHONG| 21/11/2017 01:43

Cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện tháo gỡ những "nút thắt" để TP.HCM phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước. Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Thời điểm chín muồi

Dự thảo Nghị quyết Về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM đang được thảo luận tại kỳ họp thứ tư Quốc hội Khóa XIV.

Nếu được thông qua vào cuối kỳ họp này, sẽ tạo điều kiện tháo gỡ những "nút thắt" để TP.HCM phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước. Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (ảnh).  

* Một cơ chế đặc thù cho TP. HCM đã được đưa ra bàn bạc khá nhiều trong các hội nghị, nhưng vẫn chưa tạo được đột phá nào. Theo ông thì vì sao?

- Tôi nhớ tháng 8/2012, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 16-NQ/TW Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Sau 5 năm tổng kết mới thấy Nghị quyết 16 đi vào cuộc sống còn hạn chế.

Hiện nay, sự bức xúc của người dân TP.HCM đã lên cao điểm trước tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, cũng như những vấn đề liên quan đến y tế, giáo dục, hay nói theo dân gian là không thể chịu đựng được nữa. Vì vậy, không chỉ đại biểu Quốc hội của TP.HCM mà đại biểu Quốc hội các tỉnh - thành khác cũng cho đây là thời điểm chín muồi cần có cơ chế đặc thù thì mới có thể giải quyết được những bức xúc ấy và tạo điều kiện để Thành phố phát triển nhanh, bền vững.

* Ông nhận xét gì về Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM?

- Có bốn vấn đề trong Dự thảo sẽ tháo gỡ nút thắt cho TP.HCM, nhưng còn tùy thuộc vào khả năng lãnh đạo của Chính phủ và sự điều hành của chính quyền Thành phố.

Thứ nhất, phân cấp, phân quyền quản lý đất đai. Việc chuyển đất lúa dưới 10 hécta thành đất ở hay xây dựng sẽ do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định thay vì như trước đây phải trình Thủ tướng. Đó là điều kiện về cơ chế để TP.HCM chủ động điều chỉnh quy hoạch đất đai, xây dựng khu công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên phải cần quan tâm đến cách làm, tức khi chuyển đổi đất nông nghiệp sang làm hạ tầng phải bảo đảm quy hoạch tổng thể cũng như đảm bảo không gian xanh của Thành phố.

Thứ hai, giao Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư công trình hạ tầng nhóm A bằng nguồn vốn ngân sách của Thành phố. Theo quy định hiện hành, đầu tư xây dựng hạ tầng nhóm A do Thủ tướng quyết định dựa trên sự đồng thuận của các bộ, ngành liên quan, thế nhưng thủ tục hành chính rất chậm, mất rất nhiều thời gian.

Thứ ba, thí điểm cho TP.HCM chủ động về thu thuế, lệ phí, trên cơ sở đó cân nhắc, điều tiết tùy theo khu vực. Khi thực hiện thành công vấn đề này thì sẽ áp dụng cho các tỉnh - thành theo nhu cầu thực tế của từng địa phương.

Thứ tư, khi bán tài sản của Nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, TP.HCM được để lại 50% số tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối kỹ thuật. Điều này sẽ có tác động đến hai vấn đề: đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Việc tính toán thu nhập tăng thêm cho cán bộ - công chức, viên chức, Thành phố cũng tự cân nhắc trong nguồn thu; việc chi trả cho chuyên gia, nhà khoa học, Thành phố cũng chủ động theo sự cống hiến chứ không theo khung định sẵn.

* Qua nghiên cứu về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, ông thấy có cần thêm những giải pháp nào nữa?

- Có thể nói, việc phân cấp và ủy quyền mạnh từ Trung ương tạo sự chủ động cho các cấp, các ngành của TP.HCM. Cơ chế này để lãnh đạo Thành phố tự chủ và càng có trách nhiệm cao hơn đối với nhiệm vụ Trung ương giao. Thông qua đó, giúp Thành phố cải cách mạnh mẽ hệ thống hành chính, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết Về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM nếu thực thi sẽ là những giải pháp hữu hiệu cho phát triển Thành phố trong giai đoạn này. Ví dụ, Thành phố sẽ chủ động triển khai xây dựng những công trình giao thông vận tải, bệnh viện, trường học... thay vì như trước đây phải chờ đợi trung ương cho phép nên "chậm một nhịp", thậm chí "nhiều nhịp". Việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là vấn đề cấp bách, vì ở TP.HCM có nhiều doanh nghiệp nhà nước nhất nước. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước làm tăng thêm nguồn ngân sách đầu tư cho Thành phố.

Nếu TP.HCM có được cơ chế đặc thù này, tôi tin rằng sẽ tạo tiền đề về xây dựng cơ chế mới cho các thành phố trực thuộc trung ương khác. Mặt khác, sẽ giúp TP.HCM có đủ vị thế cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và thế giới.

* Cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Thời điểm chín muồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO