Thời sự

Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM: Nỗ lực hiện thực hóa

Ngọc Quỳnh 06/01/2025 06:23

Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM, chủ trương đã rõ, hành động đã xác định. TP.HCM đang nỗ lực hành động để hiện thực hóa khát vọng này.

tp.-hcm1.png
Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa chiến lược thuận lợi cho giao thương và kết nối tài chính trong khu vực và thế giới

Thời cơ đã… “chín”

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM không phải bây giờ mới được đề cập đến, mà nó đã được đề cập từ cách đây 20 năm. Thời điểm hiện nay, khi bối cảnh và điều kiện cho phép, Bộ Chính trị đã chỉ đạo (Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 259/NQ-CP ngày 31/12/2024 về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW của Bộ Chính trị, vấn đề còn lại là triển khai hiện thực hóa thế nào mà thôi.

Để trở thành một trung tâm tài chính khu vực và thế giới, ở tầm quốc gia cần phải có các yếu tố về vị trí địa lý chiến lược, có tiềm năng phát triển kinh tế, quy mô nền kinh tế đủ lớn, chính sách kinh tế ổn định, hội nhập và phát triển thị trường tài chính sâu rộng với các chính sách mở để thu hút được dòng vốn quốc tế lớn, phát triển công nghệ tài chính, khung pháp lý quản lý minh bạch, môi trường kinh doanh thuận lợi, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại…

Tại Hội nghị công bố Nghị quyết 259 của Chính phủ, diễn ra ngày 4/1/2025 ở TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Qui mô nền kinh tế Việt Nam đã xếp hạng thứ 33 - 34 trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đảm bảo các cân đối lớn. Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 7%, mục tiêu đặt ra năm 2025 là 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số những năm tới. Thể chế kinh tế thông thoáng, quản trị thông minh, hạ tầng thông suốt.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng 2 con số, cao nhất trong khu vực, vốn hóa nền kinh tế lên đến 7,2 triệu tỷ đồng chiếm hơn 70% tổng DGP.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở gấp 1,7 lần GDP, đã tham gia 17 FTA thương mại tự do đa phương và song phương. Việt Nam tạo được môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, chính trị ổn định, an ninh, trật tự an toàn xã hội… được đảm bảo.

Cùng với vị trí địa lý chiến lược thuận tiện cho giao thương, kết nối tài chính trong khu vực và thế giới, nguồn nhân lực trẻ năng động, Việt Nam đã hội đủ các điều kiện để xây dựng, phát triển trung tâm tâm tài chính mang tầm cỡ khu vực và thế giới.

Ở góc độ địa phương, TP.HCM có vị trí nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, thuận lợi cho kết nối thương mại và tài chính với các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… cho phép giảm chi phí và thời gian giao dịch.

TP.HCM là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, đóng góp tới 22-23% GDP và khoảng 30% tổng thu ngân sách quốc gia, là trung tâm logistics và xuất nhập khẩu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Quy mô kinh tế lớn là điều kiện thuận lợi để TP.HCM phát triển thị trường vốn với hạ tầng và công nghệ tài chính hiện đại.

TP.HCM cũng có tiềm năng nguồn nhân lực trẻ, năng động, trình độ nguồn nhân lực cao là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh phát triển lĩnh vực tài chính quốc tế.

Khi Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM đi vào hoạt động, các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia đều đánh giá, sẽ không chỉ là biểu tượng của sự chuyển mình phát triển mạnh mẽ, mà còn thể hiện quyết tâm khẳng định vị thế của Việt Nam trên sân chơi tài chính khu vực và toàn cầu, giúp cho TP.HCM và cả nước kết nối với thị trường tài chính toàn cầu để tạo ra những động lực mới, nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu, tận dụng cơ hội dịch chuyển các dòng vốn đầu tư quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

tp-hcm3.jpg
TP.HCM có thể lựa chọn phát triển theo hướng kết hợp giữa các yếu tố hiện đại, bền vững và linh hoạt, đảm bảo có tính cạnh tranh trong khu vực. Ảnh minh hoạ

Lựa chọn mô hình phù hợp

Để sớm hiện thực hóa khát vọng thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM, các chuyên gia khuyến nghị, TP.HCM cần nghiên cứu lựa chọn được mô hình phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội và vị trí địa chiến lược. Đồng thời, phải vượt qua được các thách thức về cải thiện khung pháp lý và chính sách quản lý rủi ro tài chính; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng tài chính và công nghệ thông tin; tăng cường tính minh bạch, chống tham nhũng và thúc đẩy môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, công bằng và cạnh tranh lành mạnh.

Theo GS. TS.Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM, xây dựng mô hình Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh có thể lựa chọn phát triển theo hướng kết hợp giữa các yếu tố hiện đại, bền vững và linh hoạt, tận dụng tối đa tiềm năng hiện có, đảm bảo có tính cạnh tranh trong khu vực.

Các yếu tố để Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM đi vào vận hành theo hướng nêu trên, bao gồm: Hoàn thiện hạ tầng tài chính hiện đại theo chuẩn mực quốc tế với các tòa nhà văn phòng cao cấp, trung tâm giao dịch tài chính dành riêng cho các tổ chức tài chính quốc tế. Xây dựng hệ thống dữ liệu tài chính mạnh tích hợp các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, dữ liệu lớn (Big Data) để hỗ trợ hoạt động tài chính.

Có khung pháp lý linh hoạt, minh bạch, hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Chính quyền TP.HCM có thể thiết lập một khu vực kinh tế đặc biệt với các chính sách linh hoạt cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính như Fintech, Insurtech, các nền tảng giao dịch kỹ thuật số.

Có chính sách thuế ưu đãi, quy trình cấp phép đầu tư nhanh chóng và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư; thu hút sự tham gia của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới, bao gồm các ngân hàng, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm.

Tăng cường hợp tác quốc tế đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng lao động tài chính theo hướng chuyên sâu về tài chính, quản lý rủi ro, phân tích dữ liệu và công nghệ tài chính. Có các chính sách hấp dẫn để thu hút nhân tài quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và công nghệ.

Đầu tư mạnh vào các nền tảng công nghệ tài chính, xây dựng hệ sinh thái Fintech và thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Blockchain, AI và Internet vạn vật (IoT) có thể tích hợp vào các dịch vụ tài chính để nâng cao hiệu quả và tăng cường trải nghiệm cho người dùng.

Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro tài chính toàn diện, kết hợp giữa công nghệ và con người để phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ an ninh mạng, thắt chặt các qui định về bảo mật thông tin để đảm bảo niềm tin cho nhà đầu tư và khách hàng.

Tăng cường thúc đẩy tài chính xanh, phát triển bền vững. Trong những nỗ lực để hiện thực hóa khát vọng trở thành một trung tâm tài chính quốc tế theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và hành động của Chính phủ, TP.HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM, do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm Trưởng ban. Ông Nên cho biết, thành phố đã có sự chuẩn bị từ sớm cho chủ trương này với nhiều đề án, công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học, tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để xây dựng.

Đồng thời, đã chỉ đạo và giao các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch hành động chủ động, hoàn thành đề án để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp vào tháng 5/2025 tới đây. Chuẩn bị các yếu tố về thể chế, chính sách, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, tài chính… đáp ứng yêu cầu để thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM sau khi quyết sách này được Quốc hội thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM: Nỗ lực hiện thực hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO