Cơ bản hoàn thành việc khoanh nợ; xóa nợ tiền phạt chậm nộp

T.Hải| 16/05/2023 01:00

Đến cuối tháng 12/2022, cơ quan quản lý thuế đã thực hiện khoanh nợ đối với 705.475 người nộp thuế, tổng số tiền nợ thuế được khoanh là 29.897 tỷ đồng.

Thông tin trên được Chính phủ nêu tại báo cáo gửi Quốc hội về kết quả xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo của Chính phủ, có 259.627 người nộp thuế là tổ chức, doanh nghiệp với số tiền thuế nợ được khoanh là 27.548 tỷ đồng; 445.848 người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh với số tiền thuế nợ được khoanh là 2.349 tỷ đồng.

Đến hết tháng 12/2022, cơ quan quản lý thuế đã xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 317.469 người nộp thuế với tổng số tiền được xóa là 7.631 tỷ đồng. Cụ thể, 123.224 người nộp thuế là tổ chức, doanh nghiệp với số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 7.066 tỷ đồng; 194.245 người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh với số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 565 tỷ đồng.

-1464-1684205770.png

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), để triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết tại cơ quan thuế cấp trung ương và địa phương.

Theo Tổng cục Thuế cho biết việc xử lý nợ là xử lý đối với người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1/7/2020, nhiều trường hợp nợ thuế đã lâu nên hồ sơ, tài liệu bị thất lạc. Vì vậy, cơ quan quản lý thuế mất nhiều thời gian để thu thập, tìm kiếm, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Cùng với đó, thời gian xử lý nợ được thực hiện trong giai đoạn bùng phát của dịch Covid-19, giãn cách xã hội nên cơ quan quản lý thuế gặp khó khăn trong việc thu thập, xác minh thông tin và lập biên bản có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh. Vì vậy, thời gian xử lý nợ kéo dài.

Nhóm đối tượng được khoanh nợ, xoá nợ:

Người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự;  Người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể; Người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc đã bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Đây là nhóm đối tượng đông đảo nhất phải thực hiện khoanh nợ; Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ bản hoàn thành việc khoanh nợ; xóa nợ tiền phạt chậm nộp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO