Năm 2021, TP.HCM chi 0,78% ngân sách cho chuyển đổi số; con số này năm 2022 là 0,97% và dự kiến năm 2023 là hơn 1%.
Theo ông Đức, trong hệ thống các doanh nghiệp công nghệ thông tin của thành phố thì hơn 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là nguồn lực rất lớn của thành phố.
Chính sách của thành phố không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Thành phố luôn xem trọng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này phát triển. Hiện có khoảng 16 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tham gia vào Chương trình chuyển đổi số thành phố.
Ông Đức nhấn mạnh, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch hình thành trung tâm chuyển đổi số thành phố. Trung tâm này với vai trò cầu nối kết, giới thiệu đến các doanh nghiệp nhu cầu chuyển đổi số của thành phố cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số của mình.
Vấn đề không phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp mà là chất lượng dịch vụ, chất lượng của các giải pháp. Các doanh nghiệp có thể mạnh dạn giới thiệu các giải pháp và chứng minh tính hiệu quả giải pháp của mình. Sở Thông tin và Truyền thông có vai trò tham mưu cho UBND TP.HCM để chọn lựa các giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất.
Cũng theo ông Đức, TP.HCM là địa phương duy nhất có chương trình kích cầu đầu tư. Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thì chương trình này sẽ có điều kiện được mở rộng, trong đó sẽ đưa vào các loại hình doanh nghiệp được hưởng chính sách như doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Từ đó, ông Đức đề nghị Hội Tin học TP.HCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông giới thiệu các cơ hội để các doanh nghiệp có những giải pháp chuyển đổi số hiệu quả có thể tận hưởng các chính sách ưu đãi của TP.HCM. Từ đó, các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư, hoàn thiện các giải pháp của mình.
Ông Đức cho biết thêm, liên quan đến vấn đề xã hội hóa, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu và đạt được nhiều thành tựu về xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực, không chỉ trong chuyển đối số. Vì vậy, thành phố luôn mở rộng cửa và sẵn sàng tạo điều kiện để hấp thụ các nguồn lực xã hội, đặc biệt là chuyển đổi số, để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người dân tốt hơn trên nền tảng công nghệ số.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại chương trình |
Cũng tại chương trình này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng, thời gian qua, lãnh đạo TP.HCM đã quyết liệt chỉ đạo triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng công nghê thông trong cải cách hành chính vẫn còn gặp khó khăn về kỹ thuật và nhân sự. Theo ông Thắng, phải có cán bộ công chức số, đội ngũ kỹ thuật và công dân số. Quá trình này phải có thời gian vừa chuyển đổi vừa huấn luyện.
Về lỗi ứng dụng trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, ông Thắng cho rằng có 4 nguyên nhân: Do phần mềm; do quá trình kết nối thông tin giữa TP.HCM và các bộ, ngành; do đường truyền và thiết bị; do người sử dụng.
Hiện, Sở đã xây dựng hệ thống tổng đài ghi nhận phản ánh của người dân. Từ tháng 10/2022-5/2023, Sở ghi nhận 7.000 cuộc phản ánh và đã xử lý ngay. Sở cũng sẽ nghiên cứu hoàn thiện phần mềm hệ thống, làm việc với các bộ, ngành để kết nối các dữ liệu.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng phát biểu tại chương trình |
Đối với vấn đề bảo mật thông tin, lộ lọt thông tin cá nhân, ông Lâm Đình Thắng cho biết có 2 nguyên nhân chính. Đó là do bên cung cấp tiện ích cho người dân không đảm bảo bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, người dân để lộ thông tin của mình cho các nền tảng trực tuyến, nhất là trên mạng xã hội.
Vì vậy, ông Thắng cho rằng, các cơ quan Nhà nước phải tuân thủ quy định về bảo mật thông tin cá nhân, khi cung cấp cho bên thứ 3 phải đảm bảo quy định, mã hóa dữ liệu, thông tin vừa đủ.
Ngoài ra, ông Thắng cụng khẳng định, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh các đơn vị sử dụng thông tin của người dân.