Chủ tịch UBND TP.HCM: Thành phố sẽ tập trung tháo gỡ nhanh vướng mắc về vốn cho doanh nghiệp

Nguyễn Nam| 19/06/2022 01:09

TP.HCM đang xây dựng, triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung tháo gỡ nhanh những vướng mắc về cơ chế, thủ tục để đưa dòng vốn vào sản xuất - kinh doanh.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Thành phố sẽ tập trung tháo gỡ nhanh vướng mắc về vốn cho doanh nghiệp

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (áo sơ mi trắng) tham quan gian hàng của doanh nghiệp trong chương trình Cà phê Doanh nhân ngày 18-6.

Trong chương trình Cà phê Doanh nhân HUBA lần thứ 63 với chủ đề “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp (DN) giai đoạn phục hồi kinh tế”, ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch HUBA nhận định, kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, DN cần vốn để khôi phục các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, mở rộng nhà xưởng, đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất... Tuy nhiên, dù nhu cầu vay vốn của DN tăng mạnh nhưng việc tiếp cận nguồn vốn còn khó.

Doanh nghiệp khát vốn

Chia sẻ tại chương trình, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm đang phải chịu “bão giá” khi nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh.

“Tất cả nguồn chi phí nguyên phụ liệu ngoại nhập tăng từ 20-30%, trong nước giá xăng dầu cao kỷ lục”, bà Chi nói và cho biết, chi phí đầu vào tăng, nếu các doanh nghiệp áp vào giá thành chắc chắn sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao.

Tuy ngành lương thực, thực phẩm được ưu đãi về lãi suất nhưng không bù đắp hết được và doanh nghiệp đang nỗ lực để duy trì mặt bằng giá bán, vì nếu tăng giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua, tác động tới lạm phát…

“Chúng tôi đang "khát" vốn trong bối cảnh này. Trước đây chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, giờ chi phí tăng đẩy tiền dự trữ thêm 50%, nghĩa là phải cần 150 tỷ đồng”, bà Chi nói thêm và băn khoăn không biết ngân hàng có thể hỗ trợ để nâng hạn mức khoản vay cho DN được không.

Chủ tịch UBND TP.HCM lắng nghe DN chia sẻ những khó khăn về vốn

Chủ tịch UBND TP.HCM lắng nghe DN chia sẻ về việc đầu tư công nghệ trong sản xuất.

Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương Mại Tân Quang Minh cũng cho rằng, trước giờ doanh nghiệp luôn coi nguồn vốn ngân hàng là chủ lực, doanh nghiệp nào tiếp cận được sẽ có cơ hội lớn hơn các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn này đang rất khó.

“Ngay như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất cho vay, làm sao doanh nghiệp tiếp cận được, có phải làm đơn kiến nghị hay đề xuất cụ thể không?”, ông Hiến nêu băn khoăn. 

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Lê Thành khẳng định, hơn bao giờ hết doanh nghiệp đang rất cần vốn để có thể phục hồi sau thời gian hoạt động bị đình trệ do dịch Covid-19. Theo ông, nguồn vốn bị giải ngân chậm như hiện nay một phần do cơ chế. "Giải pháp vốn cho DN hiện nay chính là cơ chế", ông Nghĩa nói. 

“Chúng ta có nguồn vốn hỗ trợ người lao động hoặc xây nhà ở xã hội mà đối tượng được vay là công nhân. Điều này mang tính nhân văn cao, nhưng giải ngân chậm quá. Lúc cần công nhân thì không có người, đến khi giải ngân được thì có khi công nhân đã đi chạy xe ôm công nghệ rồi. Hoặc như gói nhà ở xã hội, 100% vốn đều dành cho công nhân, trong khi chủ đầu tư không có nguồn vốn để xây dựng. Thành ra vốn thì có mà nhà đầu tư không tiếp cận được do không thuộc đối tượng hưởng chính sách. Không có tiền xây dựng thì làm gì có nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động. Cuối cùng là mất khả năng thanh khoản, dòng tiền nghẽn”, ông Nghĩa dẫn chứng.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng, trình bày những giải pháp về nguồn vốn cho DN tại chương trình Cà phê Doanh nhân.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng, trình bày những giải pháp về nguồn vốn cho DN tại chương trình Cà phê Doanh nhân.

Phó chủ tịch HUBA, ông Nguyễn Phước Hưng cũng cho rằng, để 97% DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP.HCM tiếp cận được gói tín dụng tốt nhất giúp tái đầu tư sản xuất, phục hồi phát triển, HUBA kiến nghị ngân hàng thương mại có chính sách giúp DN vay vốn.

Ngoài ra Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% áp dụng cho những khoản vay mới mà ngân hàng không còn room tín dụng thì làm sao giải ngân? Thực tế việc tiếp cận vốn hiện nay rất khó. Vậy giải pháp nào để đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, góp phần phục hồi kinh tế?

Nhiều giải pháp nguồn vốn cho doanh nghiệp

Chia sẻ tại chương trình, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, ngành ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất để giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay; giải bài toán vốn qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, có thể phản ánh trực tiếp tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để có cơ sở tháo gỡ.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng khẳng định, để DN tăng trưởng và phát triển, cần tiền để khơi thông nguồn vốn; đồng thời chỉ ra 6 dòng vốn mà DN có thể tiếp cận. Đó là: dòng vốn từ ngân sách nhà nước; nguồn vốn từ đối tác; vốn tín dụng, tài trợ từ chuỗi cung ứng, thuê tài chính; nguồn vốn nước ngoài; vốn huy động từ thị trường và vốn tự có, vốn góp.

Ông Lực nhấn mạnh, doanh nghiệp cần nghiêm túc nghiên cứu nguồn vốn từ thuê tài chính. “Không phải lúc nào đi thuê cũng xấu”, ông Lực nói và cho rằng, đôi khi đi thuê tài chính lại là phương án tốt dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn vay từ ngân hàng.

“Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các dòng vốn từ nhiều kênh. Lâu nay doanh nghiệp thiếu vốn cứ nghĩ đến ngân hàng, điều này đúng nhưng chưa đủ, đúng nhưng chưa trúng. Vì còn nhiều doanh nghiệp khó khăn về tài chính nhưng không có phương án sử dụng vốn tốt, thiếu tài sản thế chấp. Do đó cần công khai minh bạch, chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp để dễ dàng tiếp cận các dòng vốn”, ông Lực nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình

Về gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách, tiến sĩ Lực cho hay Quốc hội đã yêu cầu xác định rõ về dòng tiền, nguồn vốn 40.000 tỷ đồng để triển khai; không hỗ trợ đại trà mà chỉ tập trung vào các lĩnh vực cụ thể. Các doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng điều kiện cơ bản về tín dụng, có khả năng phục hồi…

“Hiệu lực của gói hỗ trợ này từ 1/1/2022, nên được phép hồi tố, để truy soát lại và các doanh nghiệp lưu ý để làm việc với ngân hàng, có thể được tính hỗ trợ từ đầu năm nay. Và để triển khai hiệu quả, rất cần Chính phủ phải vào cuộc nhằm yêu cầu các bộ, ngành triển khai với tinh thần tháo gỡ ngay lập tức những vướng mắc nhằm sớm giải ngân hiệu quả”, tiến sĩ Cấn Văn Lực nói.

Cũng theo tiến sĩ Lực, DN cần chủ động tiếp cận Chương trình phục hồi 2022-2023; cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp để hợp tác, phối hợp với các đơn vị tài chính nhằm tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng đề xuất TP.HCM đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng và giải ngân đầu tư công để có tính lan tỏa, vốn mồi cao; phối hợp phát triển, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán; đẩy nhanh lộ trình thành lập Trung tâm Tài chính quốc gia tại TP.HCM và cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh để tăng khả năng huy động nguồn vốn đầu tư…

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của cộng đồng DN, doanh nhân đã giúp TP.HCM nói riêng và cả nước vượt qua đại dịch Covid-19, chung tay đưa kinh tế dần phục hồi mạnh mẽ.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện thành phố đang xây dựng, triển khai nhiều chính sách, như hỗ trợ DN chuyển đổi, đầu tư công nghệ để gia tăng năng suất, giảm thâm dụng lao động, chuyển đổi số để tạo động lực tăng trưởng.

“Thành phố sẽ tập trung tháo gỡ thật nhanh những vướng mắc về cơ chế, thủ tục của các dự án để đưa vốn lưu thông vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, luôn tiếp thu ý kiến, hiến kế từ cộng đồng DN vào quá trình xây dựng chính sách, điều hành thông qua việc tham gia các cuộc họp quý, tháng, chuyên đề vì sự phát triển của địa phương”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ tịch UBND TP.HCM: Thành phố sẽ tập trung tháo gỡ nhanh vướng mắc về vốn cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO