Chính phủ nỗ lực cùng doanh nghiệp vượt thách thức

Nguyễn Hoàng| 09/05/2020 05:00

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm tái cơ cấu, vượt lên trên các yếu kém để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng.

Chính phủ nỗ lực cùng doanh nghiệp vượt thách thức

Tác động đa chiều

Covid-19 có thể đẩy Việt Nam vào suy thoái, khi đã khiến GDP đi xuống trong quý I/2020 và được dự báo còn tác động mạnh hơn nữa trong quý II. Khả năng năm 2020, ngành dệt may sẽ tăng trưởng âm khoảng 5% so với năm 2019, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý II/2020. Dịch bệnh đã chứng minh việc ngành dệt may phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu của một thị trường nào đó sẽ mang lại nhiều rủi ro khi có biến động. Cạnh đó, đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, các thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất đều tạm đóng cửa trong khi thị trường trong nước không phải là trọng tâm. 

Covid-19 cũng chỉ ra những điểm yếu của ngành nông nghiệp mà bảo quản sau thu hoạch chỉ là một ví dụ. Hàng loạt hàng hóa ách tắc tại cửa khẩu biên giới, không có hệ thống kho lạnh ngoại quan hỗ trợ xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng không đủ công suất kho lạnh để chứa hàng hóa và nguyên liệu. Hoạt động của ngành thủy sản cũng phủ một màu xám khi sức mua từ các thị trường xuất khẩu giảm và tình trạng “treo ao” xảy ra với quy mô không nhỏ khiến nguyên liệu càng thêm thiếu hụt trong tương lai, trong khi giá nguyên liệu sẽ tăng cao, lượng tồn kho tăng, tình trạng thiếu hụt kho lạnh vẫn chưa được cải thiện.

Khủng hoảng y tế đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế Việt Nam, từ phía cung đến phía cầu, từ thị trường tài chính đến nền kinh tế thực, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ công nghiệp đến dịch vụ, từ hàng không đến du lịch, từ các ngành thâm dụng lao động cho đến thâm dụng công nghệ…

Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược, mục tiêu kép, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu, đi kèm với các cải cách thể chế và tái cơ cấu để “ngọn lửa tăng trưởng phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại” khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, Hiệp hội đã và đang kiến nghị cần tăng cường nguồn lực về con người và tài chính cho các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các quỹ bảo lãnh tín dụng. Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương giải ngân số vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng. Các dự án nên có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tăng tính hiệu quả và linh hoạt trong quá trình triển khai dự án.

Cùng với các chính sách về thuế, phí, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, trong đó có xã hội số, chính phủ số và doanh nghiệp số. Cần có một cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt về mặt bằng sản xuất, kinh doanh và tín dụng để khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuyển đổi. Đây là thời điểm vàng để toàn bộ hệ thống chính trị tạo sự bứt phá, mặt khác tôi cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tập trung tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Chính phủ để đổi mới có hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Thân đề nghị.

Không nói suông

Đây là hội nghị lần thứ tư Thủ tướng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp kể từ năm 2016, với mục đích lắng nghe ý kiến của “lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế” để tháo gỡ rào cản, mở đường cho lực lượng này tiến lên. Chủ trì hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hội nghị bằng mọi giá phải có kết quả cụ thể, không nói suông, thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển.

Link bài viết

Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn vậy, theo Thủ tướng, phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. Thứ nhất, thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Thứ hai là thu hút FDI. Thứ ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Thứ tư là thúc đẩy đầu tư công. Cuối cùng là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.

Với đại dịch Covid-19, Thủ tướng cho là cơ hội “trăm năm một thuở” đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ông tin rằng sau thời gian giãn cách xã hội, lãnh đạo các doanh nghiệp đã có đủ thời gian để tư duy lại về con đường phát triển mới của doanh nghiệp của mình. Cơ hội này, theo Thủ tướng, trước hết là dành cho doanh nghiệp trong nước, nhưng nếu chúng ta không nắm bắt được cơ hội đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến lấy. Thủ tướng khuyến khích các doanh nghiệp “hãy tận dụng cơ hội đó”. 

Theo Thủ tướng, Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn để tăng tốc phát triển, nên ngoài sự phấn đấu quyết liệt, chủ động của bản thân doanh nghiệp và người dân thì trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành rất quan trọng. Các bộ, ngành, phải xắn tay áo vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn càng được hun đúc, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

“Chúng ta thừa nhận rằng Việt Nam còn nhiều nút thắt. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn lo nghĩ đến điều này”, Thủ tướng nói. Tuy nhiên, hội nghị này không phải là dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ; không phải kể lể, than vãn về những khó khăn của doanh nghiệp mà phải nêu được những trở ngại lớn đối với các ngành. “Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận”, Thủ tướng cam kết.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có thời gian nhất định, song Thủ tướng khẳng định đã lắng nghe các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ và các bộ, ngành để hoàn thiện, xây dựng các cơ chế chính sách mới để có sự đồng hành hơn nữa giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn tới. 

Các ý kiến tại hội nghị nhất trí cho rằng, cần có một sản phẩm cụ thể sau hội nghị, đó có thể là một nghị quyết về tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chuẩn bị cho hội nghị, một số bộ, ngành đã tập hợp các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội thuộc ngành mình để xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính phủ nỗ lực cùng doanh nghiệp vượt thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO