Mười doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận sau thuế cao nhất quý I/2020

Khởi Vũ| 04/05/2020 07:30

Hiện, phần lớn doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2020, và từ khoá được nhắc đến nhiều nhất là "do ảnh hưởng bởi Covid-19".

Mười doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận sau thuế cao nhất quý I/2020

Trong danh sách 10 doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận sau thuế cao nhất quý I/2020, 50% là các ngân hàng.

Ba tháng đầu năm 2020 được xem là quý kinh doanh khá đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và quét qua hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả doanh nghiệp (DN) trong lẫn ngoài nước.

Theo đó, mức tăng trưởng GDP quý I/2020 đạt 3,82% - thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, phần nào đã cho thấy những tác động tiêu cực của Covid-19 lên các ngành nghề. Tính đến 2/5/2020, tổng lợi nhuận ròng quý I/2020 của 759 DN niêm yết, công ty đại chúng (chưa tính khối ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm) đạt hơn 19.200 tỷ đồng, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, danh sách các DN báo lãi nghìn tỷ trong quý I/2020 cũng không vì thế mà "ngắn" đi, khi đã có 15 DN ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế (LNST) hơn 1.000 tỷ đồngĐược biết, ngân hàng là nhóm có nhiều DN vào danh sách báo lãi nghìn tỷ sớm nhất từ quý I với sự đóng góp của 8 cái tên. Riêng danh sách dưới đây cũng đã có sự góp mặt của 5 ngân hàng. 

Và, danh sách này còn có thể kéo dài khi vẫn còn một số DN chưa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I như Petrolimex, Masan... Dưới đây là danh sách 10 DN niêm yết ghi nhận LNST cao nhất trong 3 tháng đầu năm 2020.

1. Vinhomes (HoSE: VHM)

Quán quân của danh sách thuộc về Vinhomes, với LNST đạt 7.645 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với mức cùng kỳ năm ngoái là 2.687 tỷ đồng. Riêng LNST cổ đông công ty mẹ ở mức 6.844 tỷ đồng, tăng 169% so với cùng kỳ 2019.

Vingroup đối mặt với khó khăn từ Covid-19. Ảnh: VIC

Vingroup đối mặt với khó khăn từ Covid-19. Ảnh: VIC

Theo Vinhomes, doanh thu ghi nhận trong quý chủ yếu đến từ các khoản chuyển nhượng bất động sản tại các dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Marina. Tuy nhiên, phần lợi nhuận đột biến trong kỳ đến từ việc chuyển nhượng khoản đầu tư vào công ty con đang sở hữu một dự án bất động sản, đạt 7.509 tỷ đồng.

2. Vietcombank (HoSE: VCB)

Đứng thứ 2 trong 10 DN ghi nhận LNST cao nhất quý I là Vietcombank. Trước khi Vinhomes niêm yết, Vietcombank luôn duy trì vị trí dẫn đầu trong các DN ghi nhận mức LNST lớn trên sàn. Ba tháng đầu năm, Vietcombank báo cáo LNST gần 4.182 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với mức cùng kỳ năm ngoái là 4.710 tỷ đồng. 

Đây cũng là mức LNST theo quý thấp nhất của Vietcombank tính từ quý IV/2018 trở lại đây. Được biết, Vietcombank là một trong những đơn vị tung nhiều gói hỗ trợ về lãi suất ra thị trường nhằm hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi Covid-19. Do đó, lợi nhuận nhà băng này cũng bị ảnh hưởng. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, lợi nhuận tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay sẽ giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất hỗ trợ DN.

Vietcombank vẫn là ngân hàng thu về lợi nhuận lớn nhất

Vietcombank vẫn là ngân hàng thu về lợi nhuận lớn nhất

3. Vinamilk (HoSE: VNM)

So với cùng kỳ 2019, LNST của Vinamilk đạt 2.777 tỷ đồng, giảm 0,7%. Biên lợi nhuận ròng hợp nhất đạt 19,6% và lãi cơ bản trên mỗi mỗi cổ phiếu đạt 1.427 đồng, giảm lần lượt 1,6 điểm % và 1,7%. Điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của Vinamilk là doanh thu tăng trưởng 7,9% bất chấp Covid-19, nhờ thương vụ sáp nhập thành công GTNfoods từ trước dịch. 

Vinamilk cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty đã hoãn hoặc giãn một số dự án đầu tư tài sản cố định trong nửa đầu năm 2020 để đảm bảo khả năng thanh khoản và an toàn tài chính. Cập nhật đến ngày 31/3, số dư tiền ròng (tiền và tương đương tiền trừ tiền vay) của Vinamilk đạt 9.500 tỷ đồng, tương đương 20% tổng tài sản, với số dư tiền ròng tại công ty mẹ gần 7.000 tỷ đồng - một trong những DN nhiều tiền nhất trên sàn.

4. Techcombank (HoSE: TCB)

Đứng thứ 4 trong danh sách này và thứ 2 sau Vietcombank trong nhóm ngành ngân hàng, Techcombank kết thúc quý I với LNST đạt 2.505 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản đến cuối tháng 3 của ngân hàng này là 391.807 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. 

Link bài viết

Theo báo cáo tài chính (BCTC) vừa công bố của Techcombank, so với cùng kỳ năm ngoái, mức cho vay khách hàng tăng 0,5%, đạt 229.037 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng ở mức 235.098 tỷ đồng, tăng 1,6%. Nợ xấu ở mức 2.530 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu cải thiện từ 1,33% xuống 1,09%.

5. VietinBank (HoSE: CTG)

Theo BCTC hợp nhất quý I/2020, so với cùng kỳ năm trước, VietinBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 8.418 tỷ đồng, tăng 6%. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 9%, lên 1.059 tỷ đồng. 

Sau khi trừ chi phí 3.317,6 tỷ đồng, ngân hàng lãi trước trích lập 7.367 tỷ đồng, tăng 15%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng 36% lên 4.392 tỷ đồng khiến LNST đảo chiều, giảm 5%, còn 2.405 tỷ đồng.

Tổng tài sản đến cuối tháng 3 của VietinBankở mức 1,2 triệu tỷ đồng, giảm gần 2% so với đầu năm. So với cùng kỳ 2019, cho vay khách hàng ở mức 910.544 tỷ đồng, giảm hơn 1,3%, trong khi huy động đạt 895.750 tỷ đồng, tăng 1%. Nợ xấu ở mức 16.915 tỷ đồng, tăng 55%, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,15% lên 1,83%.

6. PV Gas (HoSE: GAS)

Kết thúc quý I/2020, PV Gas đạt tổng doanh thu trên 17.500 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch quý nhưng giảm 6,62% so với cùng kỳ năm ngoái.Lợi nhuận trước thuế của PV Gas trong 3 tháng đầu năm đạt trên 2.600 tỷ đồng, bằng 133% kế hoạch quý.

LNST đạt trên 2.350 tỷ đồng, bằng 135% kế hoạch quý nhưng giảm 31,46% so với cùng kỳ năm trước. PV Gas cho biết, các chỉ tiêu tài chính trong quý I/2020 thấp hơn quý I/2019 chủ yếu do sản lượng khí giảm 10%, giá dầu Brent trung bình giảm 13%, giá dầu FO trung bình giảm 28%.

Dịch bệnh Covid-19 dẫn đến hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhu cầu nhiên liệu sụt giảm, cộng thêm đà lao dốc cực mạnh của giá dầu khiến kết quả kinh doanh quý I/2020 của Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất đình trệ, nhu cầu nhiên liệu sụt giảm, cộng thêm đà lao dốc của giá dầu khiến kết quả kinh doanh quý I/2020 của PV Gas sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

7. VPBank (HoSE: VPB)

Theo BCTC hợp nhất quý I, tất cả mảng kinh doanh của VPBank đều ghi nhận tăng trưởng. So với cùng kỳ 2019, thu nhập lãi thuần tăng 14%, lên 8.021 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 33%, lên 695 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác đạt 450 tỷ đồng, cao hơn 59%.

Kết thúc 3 tháng đầu năm, LNST của VPBank đạt 2.314 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ 2019. Tổng tài sản đến cuối tháng 3 của ngân hàng ở mức 393.208 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. So với cùng kỳ năm trước, cho vay khách hàng tăng 2,6%, lên 263.747 tỷ đồng; nợ xấu ở mức 7.983 tỷ đồng, giảm 10%; tỷ lệ nợ xấu giảm từ 3,42% xuống 3,14%.

8. Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG)

Sau quý I, doanh thu của Hòa Phát đạt 19.232 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng sản xuất và kinh doanh thép ghi nhận doanh thu 15.591 tỷ đồng, tăng 31%; mảng nông nghiệp tăng 59%, lên 2.779 tỷ đồng; mảng sản xuất công nghiệp khác và kinh doanh bất động sản sụt giảm.

LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 2.285 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất kể từ quý III/2018. Tập đoàn này lý giải lợi nhuận tăng mạnh nhờ sản lượng bán thép tăng, giá vốn tốt và mảng nông nghiệp bắt đầu tạo lợi nhuận khả quan.

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất

9. MBBank (HoSE: MBB)

Là ngân hàng cuối cùng trong danh sách 10 DN niêm yết có LNST cao nhất quý I/2020, so với cùng kỳ 2019, MBBank có thu nhập lãi thuần tăng 14%, lên 4.695 tỷ đồng. Hoạt động ngoại hối mang về khoản lãi 159 tỷ đồng, cao hơn 32%. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, đầu tư lãi gần 498 tỷ đồng, tăng 175%.

Các mảng còn lại đều giảm lãi, trong đó hoạt động dịch vụ giảm 2%, xuống 745 tỷ đồng, và hoạt động khác giảm 7% còn 240 tỷ đồng. Chi phí dự phòng của ngân hàng tăng 117%, kéo LNST quay đầu giảm 8% còn 1.782 tỷ đồng.

10. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV)

Xếp cuối cùng trong danh sách là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, với LNST đạt1.550 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ 2019. Tổng công ty dự kiến doanh thu năm 2020 đạt 11.339 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 1.476 tỷ đồng. Như vậy, riêng quý I, ACV đã thực hiện vượt lợi nhuận dự kiến.

Hàng không - ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19. Ảnh: Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hàng không - ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19. Ảnh: Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo ACV, thị trường quốc tế sẽ phục hồi dần một số đường bay Trung Quốc từ tháng 5. Các đường bay châu Âu, Hàn Quốc tạm dừng đến hết tháng 7 và các đường bay khác phục hồi dần từ tháng 8 nhưng tốc độ chậm. Còn với thị trường trong nước, từ cuối tháng 3 đến tháng 5, sản lượng trong nước tiếp tục giảm mạnh từ 60-70% và bắt đầu phục hồi từ tháng 6.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mười doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận sau thuế cao nhất quý I/2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO