Chính phủ đồng ý nới "room" chứng khoán cho NĐT ngoại

V.T| 27/06/2015 05:14

Từ ngày 01/09, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại ở một số doanh nghiệp có thể lên tới 100%, nếu ngành nghề kinh doanh không thuộc các lĩnh vực bị giới hạn và điều lệ công ty cho phép.

Chính phủ đồng ý nới

Theo Nghị định mới, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tới 100% cổ phần tại công ty đại chúng, ngoại trừ các trường hợp có quy định theo cam kết mở cửa, các ngành nghề có điều kiện.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2015 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định mới là nới room (tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, cơ quan quản lý lần đầu tiên đưa ra quy định không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại đối với công ty đại chúng Việt Nam, nếu doanh nghiệp này không hoạt động trong các ngành nghề có quy định về sở hữu hoặc điều lệ công ty có quy định khác.

Các trường hợp bị ràng buộc, theo Nghị định, là công ty kinh doanh trong các lĩnh vực có giới hạn về tỷ lệ sở hữu theo các điều ước quốc tế hoặc pháp luật về đầu tư, luật chuyên ngành.

Đối với những ngành có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không quy định về sở hữu thì giới hạn là 49%.

Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, room ngoại sẽ không được vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác.

Các tỷ lệ này cũng áp dụng với doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá, nếu các quy định về cổ phần hoá không nêu rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

>>M&A DNNN: Nên "nới room" trên 51%

>>Chọn mặt nới room

Theo đánh giá của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015, không chỉ tác động đến sự phát triển của thị trường chứng khoán, mà còn thúc đẩy quá trình cổ phần hóa mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai diễn ra nhanh hơn, đạt hiệu quả tích cực hơn.

Các chuyên gia tài chính đưa ra nhận định rằng đây là thông tin rất tích cực đến thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư.

Ông Lưu Đức Quang, Tổng giám đốc CTCK Artex cho hay: "Về mặt tâm lý các nhà đầu tư rất tích cực và thị trường đón nhận với sự hào hứng. Thanh khoản của thị trường thời gian gần đây rất tốt có thời điểm đã xấp xỉ 4.000 tỷ đồng".

Riêng đối với các nhà đầu tư nhỏ, một điều có thể dễ dàng dự đoán là từng bước đi của khối ngoại trong thời gian tới sẽ được nghiên cứu, theo dõi sát sao.

Ông Vương Quốc Hùng, một nhà đầu tư lâu năm cho biết: "Đối tượng khối ngoại để ý thường là những doanh nghiệp không có nợ nhiều, không có cổ đông nhà nước hay tỷ lệ cổ phần Nhà Nước ở mức thấp để thực hiện chiến dịch thu gom cổ phiếu. Đây là những yếu tố quan trọng cho nhà đầu tư có thể làm chủ doanh nghiệp để thực hiện chiến lược tái cơ cấu nhằm phục hồi phát triển doanh nghiệp. Vì thế khi họ chủ động nắm giữ 60,70% cổ phần, ta có thể tin tưởng hơn vào tiềm năng của công ty đó".

Nghị định 60 cũng quy định việc khối ngoại có thể đầu tư không hạn chế vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp...

Trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi, tổ chức phát hành phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi đến hạn chuyển đổi thành cổ phiếu phải tuân thủ quy định về room.

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng không bị hạn chế khi bỏ vốn vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký...

>>Chính thức nới “room” sở hữu ngân hàng cho khối ngoại

>>Nới “room” cho khối ngoại: “Cứ đón cá vào ao đã!”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính phủ đồng ý nới "room" chứng khoán cho NĐT ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO